Vị thuốc Thục địa là gì?
Khái niệm vị thuốc Thục địa được quy định tại Mục 88 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Thục địa là sản phẩm được chế biến từ Rễ cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa), họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).
Để chế biến 1,0 kg Thục địa thì cần 1,0 kg Sinh địa, 100 ml rượu trắng, 50 g gừng tươi và 15g sa nhân. Theo đó, thực hiện chế dịch rượu gừng: gừng tươi được rửa sạch, giã nát, thêm 50 ml rượu, nghiền, vắt lấy dịch. Thêm 50ml rượu vào bã gừng, nghiền, vắt lấy dịch sau đó trộn dịch trên. Sinh địa được rửa sạch, xếp vào dụng cụ chưng. Thêm dịch rượu gừng, trộn đều. Ủ 2-3 giờ. Thêm nước đủ ngập (khoảng 2 lít). Đun liên tục 3 ngày đêm. Trong quá trình đun, lấy dịch nấu tưới đều lên. Vớt sinh địa, phơi hoặc sấy đến khi khô se. Tẩm dịch nấu vào sinh địa, phơi hoặc sấy tiếp, làm 5-7 lần đến khi hết dịch nấu. Phơi đến khi cầm không dính tay, màu đen, thể chất nhuận dẻo. Để nguội, đóng gói.
Vị thuốc Thục địa có màu đen bóng, thể chất nhuận dẻo, cầm không thấy dính tay, mùi thơm ngọt đặc trưng.
Vị thuốc Thục địa có vị ngọt; tính ôn. Quy kinh tâm, can, thận. Có công năng bổ âm, bổ huyết, sinh tân dịch và được dùng để chủ trị các bệnh về hội chứng huyết hư, âm hư: thiếu máu gây hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, rối loạn kinh nguyệt, háo khát nước, đau nhức xương (cốt chưng triều nhiệt), di mộng tinh.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Thục địa. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật