Vị thuốc Thăng ma là gì?
Khái niệm vị thuốc Thăng ma được quy định tại Mục 85 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Thăng ma là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đại tam diệp Thăng ma (Cimicifuga heracleifolia Kom.), Hưng an Thăng ma [Cimicifuga dahurica (Turcz) Maxim.], hoặc Thăng ma (Cimicifuga foetida L.), họ Hoàng liên (Ranunculaceaẹ).
Vị thuốc Thăng ma được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Thăng ma phiến và phương pháp chế biến Thăng ma chích rượu. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Thăng ma phiến thì thực hiện đem Thăng ma nhặt hết tạp chất, ngâm rửa sạch, lấy ra ủ khoảng 2 giờ cho ẩm đều, thái phiến ngay, sấy hay phơi khô nhanh. Thăng ma phiến là những phiến dày không quá 4 mm. Chung quanh có màu tím đen, phía trong màu trắng nhạt, ở giữa thường rỗng, hình thù không nhất định. Không mùi.
- Đối với phương pháp chế biến Thăng ma chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Thăng ma chích rượu thì cần 1,0 kg Thang ma phiến và 0,2 lít rượu. Theo đó, thực hiện lấy Thăng ma phiến cho vào nồi, cho rượu vào, đảo đều, ủ trong 1 giờ. Dùng lửa nhỏ sao cho đến khi bốc mùi rượu ra là được. Thăng ma chích rượu là những phiến dày không quá 4 mm, hơi cong queo. Chung quanh màu tím nhạt, phía trong màu trắng vàng nhạt. Có mùi thơm của rượu.
Vị thuốc Thăng ma có vị ngọt, cay, hơi đắng, hơi hàn; Quy kinh phế, tỳ, vị và đại tràng. Có công năng phát tán phong nhiệt, thăng dương, giải độc, thấu ban và được dùng để chủ trị trong trường hợp nhức đầu, nóng rét, đau họng, đau răng; mụn lở ở miệng; sa trực tràng; sa dạ con; ban sởi không mọc hết.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Thăng ma. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật