Vị thuốc Sơn tra là gì?
Khái niệm vị thuốc Sơn tra được quy định tại Mục 79 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Sơn tra là quả chín thái phiến, phơi hay sấy khô của cây Sơn tra (Malus doumeri Bois. A. Che5.) họ Hoa hồng (Rosaceae).
Vị thuốc Sơn tra được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Sơn tra sao qua và phương pháp chế biến Sơn tra sao đen. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Sơn tra sao qua thì thực hiện lấy sơn tra phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi có mùi thơm bốc lên. Sơn tra sao qua là phiến thuốc màu vàng nâu, chất thịt, vỏ ngoài bong nhăn nheo, màu nâu, có những vân lốm đốm. Mùi đặc trưng của Sơn tra, vị chua.
- Đối với phương pháp chế biến Sơn tra sao đen thì thực hiện lấy sơn tra phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi bên ngoài có màu xám đen bên trong màu vàng đen. Sơn tra sao đen là phiến thuốc màu xám đen, bên trong có màu nâu tro, chất thịt. Mùi cháy, vị đắng chua.
Vị thuốc Sơn tra có vị chua, ngọt, tính nóng. Quy kinh tỳ, vị, can.
- Vị thuốc Sơn tra sao qua có công năng tiêu thực tích, hành huyết khử ứ và được dùng để chủ trị các bệnh về ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Sơn tra sao qua: Giảm tính chua, hòa hoãn tác dụng kích thích dạ dày, tăng cường tác dụng tiêu thực hóa tích.
- Vị thước Sơn tra sao đen có công năng tiêu thực tích, hành huyết khử ứ và được dùng để chủ trị các bệnh về ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Sơn tra sao đen: Tăng cường tác dụng thu liễm, chỉ tả, chỉ huyết. Trị chứng ăn không tiêu (đặc biệt là thức ăn mỡ), đau bụng, đầy chướng, ợ hơi, đàm ẩm, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết đau bụng.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Sơn tra. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật