Vị thuốc Sơn thù là gì?
Khái niệm vị thuốc Sơn thù được quy định tại Mục 78 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Sơn thù là quả gần chín phơi hay sấy khô đã bỏ hạt của cây Sơn thù du (Cornus officinalis Sieb. Et Zucc.), họ Thù du (Comaceae).
Vị thuốc Sơn thù được chế biến theo ba phương pháp là phương pháp chế biến Sơn thù nhục, phương pháp chế biến Sơn thù chưng và phương pháp chế biến Sơn thù tẩm rượu chưng. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Sơn thù nhục thì thực hiện đem Sơn thù nhặt sạch tạp chất, lấy quả khô, bỏ hạt là được. Sơn thù nhục là những quả đã vỡ, nhăn nheo do tách bỏ hạt, dài 1,0 - 1,7 cm, cùi dày không đến 0,15 cm. Mặt ngoài màu hồng tía hoặc nâu tía, nhăn nheo bóng láng, có miệng rạch bỏ hạt, một đầu có rốn nhỏ hình tròn. Màu sắc mặt trong tương đối nhạt hơn và ẩm, không trơn bóng. Không mùi, vị chua chát và hơi đắng.
- Đối với phương pháp chế biến Sơn thù chưng thì thực hiện cho Sơn thù nhục vào lồng hấp, hấp khoảng 3 giờ đến khi có màu đen, lấy ra phơi khô.
- Đối với phương pháp chế biến Sơn thù tẩm rượu chưng thì để chế biến 1,0 kg Sơn thù tẩm rượu chưng thì cần 1,0 kg Sơn thù nhục và 0,2 lít rượu. Theo đó, thực hiện trộn đều Sơn thù nhục với rượu, cho vào dụng cụ thích hợp, đậy kín; cho vào nồi nước đun cách thuỷ, đun đến khi nào hút hết rượu, lấy ra, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Sơn thù tẩm rượu chưng là những hình phiến không theo quy tắc nào hoặc dạng hình nang, có mặt ngoài màu cánh gián, nhăn nheo, bóng láng. Mùi hơi thơm, vị chua chát và hơi đắng.
Vị thuốc Sơn thù có vị chua chát, hơi ôn; Quy kinh can và thận. Có công năng bổ can thận; liễm mồ hôi, sáp tinh khí và được dùng để chủ trị các bệnh về đau lưng mỏi gối, ù tai, tai điếc, di tinh, liệt dương, đi đái rắt.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Sơn thù. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật