Vị thuốc Qua lâu nhân là gì?
Khái niệm vị thuốc Qua lâu nhân được quy định tại Mục 76 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Qua lâu nhân là hạt đã phơi hay sấy khô lấy từ quả chín của cây Qua lâu (Trichosanthes kirilowii Maxim.) hoặc Song biên Qua lâu (Trichosanthes rosthornii Harms.), thuộc họ Bí (Cucurbitaceae).
Vị thuốc Qua lâu nhân được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp sơ chế Qua lâu nhân và phương pháp chế biến Qua lâu nhân sao. Trong đó:
- Đối với phương pháp sơ chế Qua lâu nhân thì thực hiện loại bỏ tạp chất, sàng bỏ những hạt khô lép, khi dùng giã dập.
- Đối với phương pháp chế biến Qua lâu nhân sao thì thực hiện lấy Qua lâu nhân sạch cho vào chảo, dùng lửa nhỏ sao cho hơi phồng rộp lên, lấy ra để nguội.
Vị thuốc Qua lâu tử có hình bầu dục, dẹt phẳng, hình hạt dưa, dài 1cm - 1,7 cm, rộng 0,6 cm - 1,0 cm, dày 0,35 cm. Vỏ ngoài trơn phẳng, màu nâu xám, sáng bóng, có một vòng rãnh ở quanh rìa. một đầu tương đối nhọn có điểm lõm nhỏ. Vỏ hạt ngoài cứng; ở trong có hai mảnh nhân màu trắng vàng, nhiều dầu, ngoài có bọc một lớp vỏ màu lục xám. Mùi nhẹ, vị ngọt dịu, hơi đắng chát. Còn vị thuốc Qua lâu nhân sao có hình bầu dục, hai mặt bên hơi phồng lên. Vỏ ngoài kém sáng bóng; thỉnh thoảng có hạt nổ vỡ làm hai, thay hai mảnh nhân màu vàng nhạt, cong cuộn dính với vỏ cứng ở ngoài hay đã rời ra.
Vị thuốc Qua lâu nhân có vị ngọt, đắng, tính hàn; Quy kinh phế, vị và đại tràng. Có công năng mát phổi, giáng khí, nhuận tràng, tiêu đàm và được dùng để chủ trị các bệnh về đờm nhiệt sinh ho, táo bón khó đi ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Qua lâu nhân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật