Vị thuốc Ngưu bàng tử là gì?
Khái niệm vị thuốc Ngưu bàng tử được quy định tại Mục 70 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Ngưu bàng tử là sản phẩm đã chế biến từ hạt của quả cây Ngưu bàng (Arctium lappa L.), họ Cúc (Asteraceae).
Vị thuốc Ngưu bàng tử được chế biến theo phương pháp chế biến Ngưu bàng tử sao. Theo đó, thực hiện làm nóng dụng cụ, cho ngưu bàng tử vào sao nhỏ lửa đến khi thấy hạt hơi phồng, có mùi thơm. Lấy ra, để nguội.
Vị thuốc Ngưu bàng tử có mặt ngoài màu xám vàng, có đốm màu đen, hơi phồng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay.
Vị thuốc Ngưu bàng tử có vị tân, khổ; Tính hàn. Quy kinh phế, vị.
Vị thuốc Ngưu bàng tử có công năng giải biểu nhiệt, tuyên phế, thấu chẩn, giải độc, thông lợi hầu họng và được dùng để chủ trị các bệnh về cảm mạo phong nhiệt, ho đờm nhiều, sởi, hầu họng sung đau, quai bị, ngứa, mụn nhọt, nhọt độc sung đau.
Người bệnh có thể dùng vị thuốc Ngưu bàng tử từ 6 - 12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Ngưu bàng tử. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật