Vị thuốc Mẫu lệ là gì?
Khái niệm vị thuốc Mẫu lệ được quy định tại Mục 62 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Mẫu lệ là vỏ đã phơi khô của nhiều loại Hàu như: Hàu ống (Ostrea gigas Thunberg), Hàu sông (Ostrea rivularis Gould) hay Hàu Đại liên (Ostrea talienwhanensis Crosse), họ Hàu (Ostreidae).
Vị thuốc Mẫu lệ được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Sinh Mẫu lệ và phương pháp chế biến Mẫu lệ nung. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Sinh Mẫu lệ thì thực hiện đem mẫu lệ cạo bỏ phần ruột, rửa sạch phơi hay sấy khô, đập dập thành mảnh nhỏ.
- Đối với phương pháp chế biến Mẫu lệ nung thì thực hiện xếp mẫu lệ sạch trực tiếp lên lò nung, nung cho đến khi mảnh mẫu lệ nóng hồng đều, có màu trắng xám, thì lấy ra tãi cho nguội. Đập nhẹ cho vỡ vụn hoặc tán thành bột mịn.
Vị thuốc Mẫu lệ mặt ngoài màu trắng xám, có khía, mặt trong sáng óng ánh lớp xà cừ, cứng chắc (sinh Mẫu lệ), dễ vỡ khi bóp (Mẫu lệ nung). Có vị mặn.
Vị thuốc Mẫu lệ có vị mặn, tính lương. Quy kinh can, đởm, thận.
Vị thuốc Sinh mẫu lệ có công năng an thần, dưỡng âm, tiềm dương, tán kết nhuyễn kiên và được dùng để chủ trị các chứng hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, hoa mắt, ù tai, tràng nhạc, hòn khối ở bụng, tự hãn, đạo hãn, di tinh, bạch đới, băng huyết, đau dạ dày, ợ chua.
Vị thuốc Mẫu lệ nung (đoạn mẫu lệ) có công năng thu liễm và được dùng để chủ trị các chứng hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, hoa mắt, ù tai, tràng nhạc, hòn khối ở bụng, tự hãn, đạo hãn, di tinh, bạch đới, băng huyết, đau dạ dày, ợ chua.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Mẫu lệ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật