Vị thuốc Mẫu đơn bì là gì?
Khái niệm vị thuốc Mẫu đơn bì được quy định tại Mục 61 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Mẫu đơn bì chế là sản phẩm đã chế biến từ vỏ rễ của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr.), họ Mẫu đơn (Paeoniaceae).
Vị thuốc Mẫu đơn bì được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Mẫu đơn bì sao vàng và phương pháp chế biến Mẫu đơn bì chích rượu. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Mẫu đơn bì sao vàng thì thực hiện lấy mẫu đơn bì bỏ lõi, sao đều nhỏ lửa, cho tới khi toàn bộ phía ngoài có màu vàng hoặc hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của Mẫu đơn bì. Lấy ra, để nguội.
- Đối với phương pháp chế biến Mẫu đơn bì chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Mẫu đơn bì chích rượu thì cần 1,0 kg Mẫu đơn bì bỏ lõi và 180 ml rượu. Theo đó, Mẫu đơn bì đã bỏ lõi được trộn với rượu trắng, ủ 30 phút - 1 giờ cho ngấm hết rượu, sao nhỏ lửa tới khô, có mùi thơm đặc trưng của Mẫu đơn bì.
Vị thuốc Mẫu đơn bì là những đoạn nhỏ hoặc mảnh vỏ rễ có kích thước, dài khoảng 3 - 5 cm, có màu vàng, có mùi thơm đặc trưng của mẫu đơn bì.
Vị thuốc Mẫu đơn bì có vị tân, khổ; Tính vi hàn. Quy kinh tâm, can, thận. Có công năng thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, phát hãn, giải độc và được dùng để chủ trị các bệnh về phát ban do huyết nhiệt, ho ra máu, chảy máu cam (dùng mẫu đơn bì sao vàng), sốt, đau âm ỉ trong xương mà mồ hôi không ra được, vô kinh, bế kinh, đau bụng kinh, nhọt độc sưng đau, sang chấn (dùng mẫu đơn bì chích rượu).
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Mẫu đơn bì. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật