Vị thuốc khiếm thực là gì?
Khái niệm vị thuốc khiếm thực được quy định tại Mục 51 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc khiếm thực là hạt của quả chín phơi hay sấy khô của cây Khiếm thực (Euryales ferox Salisb.), họ Súng (Nymphaeaceae).
Vị thuốc khiếm thực được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Khiếm thực sao vàng và phương pháp chế biến Khiếm thực sao cám. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Khiếm thực sao vàng thì thực hiện đem khiếm thực sao nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài có màu vàng hoặc hơi vàng.
- Đối với phương pháp chế biến Khiếm thực sao cám thì để chế biến 1,0 kg Khiếm thực sao cám thì cần có 1,0 kg Khiếm thực và 200 g cám gạo. Theo đó, thực hiện đun chảo nóng già, đổ cám vào sao tới lúc bốc khói trắng, cho khiếm thực vào, đảo đều tới khi toàn bộ bên ngoài có màu hơi vàng. Đổ ra tãi mỏng cho nguội.
Vị thuốc Khiếm thực sau khi chế phía ngoài vỏ có màu nâu thẫm, phía trong hạt có màu vàng hoặc hơi vàng, mùi thơm, nhấm có vị hơi ngậy, hơi chát.
Vị thuốc Khiếm thực có vị ngọt, hơi chát. Tính bình. Quy kinh tỳ, thận. Có công năng ích thận, cố tinh, kiện tỳ, chỉ tả, chỉ hãn, trừ thấp và được dùng để chủ trị các bệnh về di, mộng tinh, hoạt tinh, bạch đới, tiểu đục, tiểu dầm, ỉa chảy, mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi nhiều.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc khiếm thực. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật