Vị thuốc Hương phụ là gì?
Khái niệm vị thuốc Hương phụ được quy định tại Mục 47 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Hương phụ (Củ gấu) là thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.,) hoặc cây Hương phụ biển (C. stoloniferus Retz.,) họ Cói (Cyperaceae).
Vị thuốc Hương phụ được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Hương phụ phiến hoặc mảnh nhỏ và phương pháp chế biến Hương phụ tứ chế. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Hương phụ phiến thì thực hiện đem Hương phụ rửa sạch, loại bỏ tạp chất, ủ một đêm cho mềm, thái lát hoặc đập nhỏ. Sấy khô. Lấy ra, để nguội, đóng gói.
- Đối với phương pháp chế biến Hương phụ tứ thế thì để chế biến 1,0 kg Hương phụ tứ chế thì cần 1,0 kg Hương phụ phiến, 150 ml dung dịch muối ăn 5%, 150 ml nước gừng 5%, 150 ml giấm và 150 ml rượu. Theo đó, thực hiện chia hương phụ thành 4 phần đều nhau, mỗi phần 250 g, từng phần sẽ được tẩm riêng với mỗi loại phụ liệu trên. Để một đêm, sau đó sao vàng đến khi có mùi thơm là được (riêng phần tẩm với rượu tiến hành vi sao). Trộn đều 4 phần hương phụ đã chế được Hương phụ tứ chế.
Vị thuốc Hương phụ là những mảnh nhỏ hoặc lát mỏng, bên ngoài vỏ có màu nâu hoặc nâu sẫm, mặt lát có màu nâu nhạt hơi hồng. Mùi thơm, có vị cay, hơi đắng ngọt.
Vị thuốc hương phụ có vị cay, hơi đắng, tính ấm. Qui kinh can. Có công năng điều khí, khai uất, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau và được dùng trong chủ trị các bệnh về kinh nguyệt không đều, vô kinh, bế kinh, tiêu thực, giảm đau vùng ngực sườn, đau thượng vị, hạ vị.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Hương phụ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật