Thu hồi bắt buộc thực phẩm không bảo đảm an toàn được pháp luật quy định như thế nào?
Thu hồi bắt buộc thực phẩm không bảo đảm an toàn được pháp luật quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2016/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế như sau:
1. Ngay sau khi xác định sản phẩm phải thu hồi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này phải ban hành Quyết định thu hồi theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Quyết định thu hồi được gửi cho chủ sản phẩm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
2. Trách nhiệm của chủ sản phẩm:
a) Ngay khi nhận được quyết định thu hồi, chủ sản phẩm phải thông báo tới những người có trách nhiệm trong hệ thống sản xuất, kinh doanh (cơ sở sản xuất, các kênh phân phối, đại lý, cửa hàng) để dừng việc sản xuất, kinh doanh và niêm phong sản phẩm;
b) Trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc, kể từ thời Điểm nhận được quyết định thu hồi, chủ sản phẩm phải nộp Kế hoạch thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan ra quyết định thu hồi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về an toàn thực phẩm. Nội dung kế hoạch thu hồi sản phẩm phải phù hợp với Quyết định thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn do cơ quan ra quyết định thu hồi ban hành.
3. Cơ quan ra Quyết định thu hồi sản phẩm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm và các cơ quan liên quan giám sát việc thu hồi.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc thu hồi bắt buộc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Thông tư 17/2016/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật