Vị thuốc Hoàng tinh là gì?
Khái niệm vị thuốc Hoàng tinh được quy định tại Mục 45 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Hoàng tinh là thân rễ đã phơi hay sấy khô của một số loài Hoàng tinh: Polygonatum kingianum Coll. et Hemsl., Polygonatum sibiricum Red. hoặc Polygonatum cyrtonema Hua., họ Mạch môn đông (Convallariaceae).
Vị thuốc Hoàng tinh được chế biến theo phương pháp chế biến Hoàng tinh chế rượu. Để chế biến 1,0 kg Hoàng tinh chế rượu thì cần có 1,0 kg Hoàng tinh và 0,2 lít rượu. Theo đó, thực hiện rửa sạch Hoàng tinh củ, gọt bỏ vỏ ngoài và rễ con trộn với rượu, cho vào thùng đậy nắp, đun cách thủy để dược liệu hút hết rượu trong khoảng 24 giờ đến khi có màu đen bóng, lấy ra phơi âm can hoặc sấy cho se, thái phiến dày 2-3 mm, phơi hoặc sấy khô.
Vị thuốc Hoàng tinh có phiến dày 2 - 3 mm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu đen. Chất dẻo, dai dính, khó bẻ, mặt bẻ trông như sừng, bên trong màu đen. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt.
Vị thuốc Hoàng tinh có vị ngọt, tính bình. Quy kinh tỳ, phế, thận. Có công năng kiện tỳ, nhuận phế, ích thận và được dùng để chủ trị các bệnh về tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát. Hoàng tinh chế giảm vị tê, tránh kích thích họng, tăng cường tác dụng bổ thận, tinh, huyết.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Hoàng tinh. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật