Vị thuốc Hoàng bá là gì?
Khái niệm vị thuốc Hoàng bá được quy định tại Mục 41 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Hoàng bá là vỏ thân và vỏ cành (đã cạo bỏ lớp bần) phơi hay sấy khô của cây Hoàng bá (Phellodendron chinense Schneid. hoặc Phellodendron amurense Rupr.), họ Cam (Rutaceae).
Vị thuốc Hoàng bá được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Hoàng bá phiến và phương pháp chế biến Hoàng bá chích muối ăn. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Hoàng bá phiến thì thực hiện đem vỏ thân và vỏ cành cạo sạch lớp bần, cắt thành từng miếng, phơi hoặc sấy khô ở 50°C được Hoàng bá phiến.ư
- Đối với phương pháp chế biến Hoàng bá chích muối ăn thì để chế biến 1,0 kg Hoàng bá chích muối ăn cần có 1,0 kg Hoàng bá phiến và 0,2 lít dung dịch muối ăn 5%. Theo đó, thực hiện tẩm Hoàng bá phiến với dung dịch muối ăn 5%, trộn đều, ủ cho thấm hết nước muối. Sao lửa nhỏ đến khi khô.
Phiến thuốc có mặt ngoài màu vàng nâu, mặt trong màu nâu nhạt, có nhiều các vết nhăn dọc nhỏ, dài. Hơi xém cạnh. Vết bẻ lởm chởm, thể chất rắn, nhẹ, màu vàng rơm. Mùi thơm đắng.
Vị thuốc Hoàng bá có vị đắng, tính hàn. Qui vào các kinh thận, bàng quang. Có công năng thanh nhiệt táo thấp, tư âm giáng hỏa, giải độc. Hoàng bá chế tăng hòa hoãn tính táo, vị đắng, tăng cường tả hỏa và được dùng để chủ trị các bệnh về âm hư phát sốt, xương đau âm ỉ, ra mồ hôi trộm; viêm tiết niệu; tả lỵ thấp nhiệt; hoàng đản; mụn nhọt lở ngứa.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Hoàng bá. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật