Vị thuốc Hậu phác là gì?
Khái niệm vị thuốc Hậu phác được quy định tại Mục 39 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Hậu phác là vỏ thân, vỏ cành phơi hay sấy khô của cây Hậu phác (Magnolia officinalis Rehd. et Wils.) hoặc cây Ao diệp hậu phác (Magnolia officinalis Rehd. et Wils.var. biloba Rehd. et Wils.), họ Ngọc lan (Magnoliaceae).
Vị thuốc Hậu phác được chế biến theo bốn phương pháp là phương pháp chế biến Hậu phác phiến, phương pháp chế biến Hậu phác tẩm gừng, phương pháp chế biến Hậu phác chích gừng và phương pháp chế biến Hậu phác chưng (nấu) với gừng. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Hậu phác phiến thì thực hiện đem Hậu phác rửa sạch, để khô se, cạo bỏ lớp bần, cắt thành từng đoạn dài 3 - 5 cm, thái phiến dọc, dầy 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 50- 60°C đến khô.
- Đối với phương pháp chế biến Hậu phác tẩm gừng thì để chế biến 1,0 kg Hậu phác tẩm gừng thì cần 1,0 kg Hậu phác phiến và 0,1 kg gừng tươi. Theo đó, thực hiện đem gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; giã tiếp, thêm nước sạch, làm vài lần rồi thêm nước sạch cho đủ 150 ml. Đem nước gừng trộn đều vào hậu phỏc phiến, ủ 30 phút cho ngấm đều sau đó phơi âm can tới khô.
- Đối với phương pháp chế biến Hậu phác chích gừng thì để chế biến 1,0 kg Hậu phác chích gừng thì cần 1,0 kg Hậu phác phiến và 0,1 kg gừng tươi. Theo đó, thực hiện đem gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; giã tiếp, thêm nước sạch, làm vài lần rồi thêm nước sạch cho dù 160 ml. Đem nước gừng trộn đều vào Hậu phác phiến, ủ 30 phút cho ngấm đều sau đó sao vàng.
- Đối với phương pháp chế biến Hậu phác chưng (nấu) với gừng thì để chế biến 1,0 kg Hậu phác chưng (nấu) với gừng thì cần 1,0 kg Hậu phát và 0,2 kg gừng tươi. Theo đó, thực hiện đem gừng tươi đem giã nát, vắt lấy nước cốt, làm nhiều lần, để được khoảng 200 ml. Đem nước gừng tẩm đều vào những khúc Hậu phác dài 5-7 cm, đã được rửa sạch, để khô se, cạo bỏ lớp bẩn bên ngoài. Chưng tới khi Hậu phác đủ mềm, lấy ra thái phiến dọc, dầy 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60°C. Cũng với cách làm tương tự, song thay cách chưng bằng cách nấu đến khi hết nước, lấy ra thái phiến, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50-60°C.
Vị thuốc Hậu phác chế gừng là những phiến mỏng có kích thước dài 5-7 cm, dầy 2-3mm, màu hơi xám, nhấm có vị hơi đắng, mùi thơm của gừng.
Vị thuốc Hậu phác có vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh tỳ, vị, phế, đại tràng.
Vị thuốc Hậu phác tẩm gừng có công năng hạ khí, tiêu đờm, trừ hàn thấp, trừ đầy trướng và được dùng để chủ trị bụng bí tích, dầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Hậu phác chế với gừng để tăng tính ấm, đồng thời giảm tính kích thích ở họng, khi uống. Hậu phác tẩm nước gừng phơi âm can thích hợp cho trường hợp bụng đầy trướng, bí tích, nôn mửa.
Vị thuốc Hậu phác chích gừng và Hậu phác chưng với gừng có công năng hạ khí, tiêu đờm, trừ hàn thấp, trừ đầy trướng và được dùng để chủ trị bụng bí tích, đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Hậu phác chế với gừng để tăng tính ấm, đồng thời giảm tính kích thích ở họng, khi uống. Hậu phác chích với gừng thích hợp cho trường hợp nhiều đờm, ho, khó thở vì khi sao đã làm giảm được tính kích thích họng của Hậu phác. Trường hợp nấu với gừng, vừa để làm mềm Hậu phác, giúp cho việc dễ dàng thái phiến vừa có ý nghĩa chế gừng vào Hậu phác để đạt các mục đích nói trên.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Hậu phác. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật