Vị thuốc Hà thủ ô đỏ là gì?
Khái niệm vị thuốc Hà thủ ô đỏ được quy định tại Mục 37 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Hà thủ ô đỏ là rễ củ đã phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson, syn: Polygonum multiflorum (Thunb.),), họ Rau răm (Polygonaceae).
Để chế biến 1,0 kg vị thuốc Hà thủ ô đỏ thì cần 1,0 kg Hà thủ ô đỏ và 100 g đậu đen. Theo đó, quá trình chế biến Hà thủ ô đỏ được thực hiện như sau:
- Chế dịch Đậu đen: 100g Đậu đen rửa sạch thêm 4 lít nước, nấu đến khi hạt đậu chín, gạn lấy dịch.
- Chế Hà thủ ô đỏ: loại tạp, rửa sạch, ngâm trong dịch nước vo gạo trong 2 ngày đêm (chú ý nếu là mùa hè sau mỗi 4-6 tiếng phải thay nước), vớt ra, rửa sạch. Thêm dịch đậu đen cho ngập Hà thủ ô. Đun 4-6 giờ, trong quá trình đun thỉnh thoảng đảo đều (nếu cạn bổ sung nước cho ngập).
- Sau đó, để nguội, lấy ra, bõ lõi, thái phiến 2 - 4mm . Phơi hoặc sấy se Hà thủ ô ở nhiệt độ 60° - 70°C, tẩm tiếp dịch nấu, làm lặp lại đến hết dịch nấu. Phơi hoặc sấy đến khô kiệt. Để nguội, đóng gói.
Vị thuốc Hà thủ ô đỏ là phiến mỏng, khô cứng, có màu nâu thẩm đồng nhất. Vị hơi ngọt.
Vị thuốc Hà thủ ô đỏ có vị ngọt đắng, tính ấm. Quy kinh can, thận; có công năng bổ huyết, bổ can thận, ích tinh tủy, cường gân cốt và được dùng để chủ trị huyết hư, thiếu máu, chóng mặt, ù tai, đau nhức xương khớp, bạch đới, mỡ máu cao.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Hà thủ ô đỏ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật