Vị thuốc Đỗ trọng là gì?
Khái niệm vị thuốc Đỗ trọng được quy định tại Mục 34 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Đỗ trọng là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Đỗ trọng (Eucommia ulmoides O14.), họ Đỗ trọng (Eucommiaceae).
Vị thuốc Đỗ trọng được chế biến theo bốn phương pháp là phương pháp chế biến Đỗ trọng phiến, phương pháp chế biến Đỗ trọng chích muối ăn, phương pháp chế biến Đỗ trọng chích rượu và phương pháp chế biến Đỗ trọng sao đen. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Đỗ trọng phiến thì Đỗ trọng được cạo lớp vỏ thô còn sót lại, rửa sạch, thái miếng hoặc cắt dập thành từng đoạn còn tơ, phơi khô, dùng sống hoặc chế.
- Đối với phương pháp chế biến Đỗ trọng chích muối ăn thì để chế biến 1,0 kg Đỗ trọng chích muối ăn cần 1,0 kg Đỗ trọng phiến, 0,03 g muối ăn và 0,17 lít nước sạch. Theo đó, hòa tan muối vào nước, gạn bỏ cặn. Tẩm nước muối vào đỗ trọng phiến, ủ trong 1 giờ cho thấm hết dịch nước muối, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao lửa vừa cho đứt tơ là được (bẻ gẫy không còn sợi tơ).
- Đối với phương pháp chế biến Đỗ trọng chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Đỗ trọng chích rượu thì cần 1,0 kg Đỗ trọng phiến và 0,2 lít rượu. Theo đó, thực hiện tẩm rượu vào Đỗ trọng phiến, ủ trong khoảng 30 phút cho thấm hết rượu, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao lửa vừa cho đứt tơ là được (bẻ gẫy không còn sợi tơ).
- Đối với phương pháp chế biến Đỗ trọng sao đen thì cho Đỗ trọng phiến vào chảo, lửa to, đảo đều cho đến khi thấy có khói trắng, các phiến Đỗ trọng đứt hết tơ, phun một ít nước sạch, cho nhỏ lửa đào đều trong khoảng 2 - 3 phút, lấy ra để nguội.
Vị thuốc Đỗ trọng có vị ngọt, tính ấm. Quy kinh can, thận.
- Vị thuốc Đỗ trọng phiến là những miếng vỏ phẳng hoặc hai bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm, màu xám tro. Mặt ngoài sần sùi, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Mặt trong vỏ màu sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng ánh bạc, có tính đàn hồi như cao su. Có công năng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, hạ áp. và được dùng để chủ trị các bệnh về đau nhức cơ khớp, liệt dương, động thai ra máu, tăng huyết áp.
- Vị thuốc Đỗ trọng chích muối ăn là những miếng vỏ phẳng, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm, màu xám đen, bẻ gãy không còn sợi tơ. Co công năng tăng cường bổ thận và được dùng để chủ trị các bệnh về chữa di tinh, hoạt tinh, liệt dương, đau lưng do thận dương hư.
- Vị thuốc Đỗ trọng chích rượu là những miếng vỏ phẳng, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm. màu xám tro sẫm, bẻ gãy không còn sợi tơ. Có công năng bổ huyết và được dùng để chủ trị các bệnh về phong thấp, tê, ngứa,
- Vị thuốc Đỗ trọng sao đen là những miếng nhỏ, thẳng, tương đối đều nhau. Màu đen, bóp gẫy vụn. Được dùng để chủ trị động thai, rong huyết.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Đỗ trọng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật