Vị thuốc Đào nhân là gì?

Vị thuốc Đào nhân là gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Phan Quỳnh Như. Tôi đang tìm hiểu các quy định liên quan đến hoạt động chế biến các vị thuốc cổ truyền Việt Nam. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, vị thuốc Đào nhân là gì? Vị thuốc này được chế biến như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Phan Quỳnh Như (quynhnhu*****@gmail.com)

Khái niệm vị thuốc Đào nhân được quy định tại Mục 31 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:

Vị thuốc Đào nhân là nhân hạt lấy ở quả chín phơi khô của cây Đào [Prunus persica (L.) Batsch.] hoặc cây Sơn đào [Prunus davidiana (Carr.) Franch.]. họ Hoa hồng (Rosaccae).

Vị thuốc Đào nhân được chế biến theo ba phương pháp là phương pháp chế biến Đào nhân sao vàng giữ vỏ, phương pháp chế biến Đào nhân sao vàng bỏ vỏ và phương pháp chế biến Đào nhân ép loại dầu. Trong đó:

- Đối với phương pháp chế biến Đào nhân sao vàng giữ vỏ thì cho Đào nhân sao tới khi toàn bộ phía ngoài vỏ có màu vàng đều. Đào nhân sao vàng giữ vỏ có mặt ngoài nháp, hơi nhăn nheo, có màu hơi vàng, mùi thơm đặc trưng của hạnh nhân, nhấm có vị đắng nhẹ, ngậy bùi.

- Đối với phương pháp chế biến Đào nhân sao vàng bỏ vỏ thì lấy Đào nhân ngâm trong nước nóng 10 phút. Đem ra, xát bỏ vỏ, phơi khô, sao vàng. Đào nhân sao vàng bỏ vỏ có mặt ngoài nhẵn, có màu hơi vàng, nhấm có vị đắng nhẹ, ngậy bùi.

- Đối với phương pháp chế biến Đào nhân ép loại dầu thì lấy Đào nhân giã dập, bọc trong giấy bản hoặc trong vải xô ép bỏ dầu. Lấy ra sao nhỏ lửa tới khô. Đào nhân ép bỏ dầu là những mảnh nhỏ có thể chất dính, mùi thơm đặc trưng của hạnh nhân, nhấm có vị đắng nhẹ, ngậy bùi.

Vị thuốc Đào nhân có vị đắng, ngọt. Tính bình. Quy kinh can, thận, có công năng hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, nhuận tràng, thông tiện và được dùng trong các trường hợp bế kinh, đau bụng kinh, sau đẻ ứ huyết, đau đớn cơ nhục, tê mỏi chân tay, các chứng táo bón, đại tiện bí kết do tân dịch tổn thương.

Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Đào nhân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào