Vị thuốc Đại Hoàng là gì?
Khái niệm vị thuốc Đại Hoàng được quy định tại Mục 29 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Đại Hoàng là thân rễ đã cạo vỏ để nguyên hay thái thành phiến phơi hay sấy khô của các loài Đại hoàng (Rheum palmatum L.) hoặc (Rheum officinale Baillon), hoặc giống lai của hai loài trên, họ Rau răm (Polygonaceae).
Vị thuốc Đại Hoàng được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Đại hoàng chích giấm và phương pháp chế biến Đại hoàng chích rượu. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Đại hoàng chích giấm thì để chế biến 1,0 kg Đại hoàng chích giấm cần 1,0 kg Đại hoàng phiến và 150 ml giấm gạo. Đại hoàng phiến được trộn đều với giấm, ủ 30 phút, đun nhỏ lửa, sao tới khô khi có màu vàng đậm, không còn mùi giấm bốc lên, để nguội, đóng gói.
- Đối với phương pháp chế biến Đại hoàng chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Đại hoàng chích rượu cần 1,0 kg Đại hoàng phiến và 300 ml rượu. Đại hoàng phiến được trộn đều với rượu, chích 24 - 32 giờ, đến khi chuyển màu đen lấy ra, phơi âm can, sao đến khô, để nguội, đóng gói.
Vị thuốc Đại Hoàng là phiến thuốc xốp, giòn dễ gãy, màu vàng nâu (Đại hoàng chích rượu), thuốc màu nâu (Đại hoàng chích giấm), mùi đặc trưng, vị đắng và hơi chát.
Vị thuốc Đại Hoàng có vị đắng, tính hàn. Quy kinh can, tỳ, vị, tâm bào, đại tràng. Vị thuốc Đại hoàng chích rượu có công năng hoạt huyết khứ ứ, thanh nhiệt ở thượng tiêu và được dùng để chủ trị thượng tiêu nhiệt độc gây mắt đỏ, viêm họng, viêm răng lợi. Còn vị thuốc Đại hoàng chích giấm có công năng tả hạ, tiêu tích, hóa ứ. Tác dụng thanh thấp nhiệt và được dùng để chủ trị táo bón do thực nhiệt, đau bụng, vàng da, bế kinh, chấn thương tụ máu, chảy máu cam, mụn nhọt.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Đại Hoàng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật