Vị thuốc Cỏ nhọ nồi là gì?
Khái niệm vị thuốc Cỏ nhọ nồi được quy định tại Mục 26 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Cỏ nhọ nồi (Cỏ mực) là toàn bộ phần trên mặt đất (khi cây đang ra hoa) đã phơi hay sấy khô của cây Cỏ nhọ nồi (Eclipta prostrata L), họ Cúc (Asteraceae).
Vị thuốc cỏ nhọ nồi được chế biến theo hai phương pháp là phuong pháp chế biến Cỏ nhọ nồi phiến và phương pháp chế biến Cỏ nhọ nồi thán sao. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Cỏ nhọ nồi phiến thì Cỏ nhọ nồi được bỏ gốc, rễ, rửa sạch, cắt đoạn 5 - 7cm, phơi khô.
- Đối với phương pháp chế biến Cỏ nhọ nồi thán sao thì cho Cỏ nhọ nồi phiến vào chảo, dùng lửa to vừa sao cho đến khi bề mặt có màu đen thẫm, hơi có khói trắng bốc lên, phun một ít nước sạch vào để trừ hỏa độc (khoảng 100 - 200 ml cho 1 kg dược liệu), dùng lửa nhỏ sao tiếp cho khô, tải ngay cho nguội tránh bốc thành lửa.
Cỏ nhọ nồi thán sao có màu đen thẫm nếu bóp sẽ vụn nát (không phải cháy thành than). Mùi thơm.
Cỏ nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính lạnh; Quy kinh can, thận, có công năng lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận. Cỏ nhọ nồi thán sao tăng cường tác dụng chỉ huyết và được dùng để chủ trị các bệnh về can, thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, chứng ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện và tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Cỏ nhọ nồi. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật