Vị thuốc Chỉ xác là gì?
Khái niệm vị thuốc Chỉ xác được quy định tại Mục 25 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Chỉ xác là quả đã gần chín bổ đôi, phơi hay sấy khô của cây Cam chua (Citrus aurantium L.) hoặc cây Cam ngọt (Citrus sinensis (L.) Osbeck), họ Cam (Rutaceae).
Vị thuốc Chỉ xác được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Chỉ xác phiến và phương pháp chế biến Chỉ xác sao cám. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Chỉ xác phiến thì khi chế biến phải loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hạt, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô.
- Đối với phương pháp chế biến Chỉ xác sao cám thì để chế biến 1,0 kg Chỉ xác sao cám thì cần phải có 1,0 kg Chỉ xác và 0,1 kg cám gạo. Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói, cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẩm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội.
Vị thuốc Chỉ xác sao cám có các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ, vị đắng.
Vị thuốc Chỉ xác sao cám có vị khổ, tính tân, lương, Quy kinh tỳ, vị. Vị thuốc Chỉ xác sao cám hòa hoãn tính cay táo, phá khí hóa đờm tiêu tích, tăng cường tác dụng lý khí hòa vị dùng để chủ trị các bệnh về ngực sườn trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Chỉ xác. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật