Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chủ quản cấp trên. Trong đó, tôi gặp một vài vướng mắc mong được Ban biên tập hỗ trợ. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì Bộ Giao thông vận tải được trao những nhiệm vụ, quyền hạn gì trong lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Vũ Thạch (0907****)

Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không được quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể bao gồm:

a) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Ban hành quy chuẩn xây dựng (trừ quy chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị) và quy định việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền; quy định việc bảo trì, quản lý sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước; chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức bảo trì, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đang khai thác do bộ quản lý;

c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ quản lý chuyên ngành các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; công bố danh mục dự án gọi vốn đầu tư và hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định của pháp luật;

d) Trình Chính phủ quy định phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông;

đ) Công bố và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đóng, mở cảng hàng không, sân bay và thiết lập đường hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép; quyết định việc đóng tạm thời và mở lại cảng hàng không, sân bay; công bố đóng, mở cảng biển, cảng cạn, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa có phương tiện thủy nước ngoài ra vào, tuyến đường thủy nội địa, ga đường sắt, tuyến đường sắt, đường ngang đường sắt theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức thực hiện việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức quản lý việc khai thác công trình cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật;

h) Trình Chính phủ quy định việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường và tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường bộ; quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ; hướng dẫn cụ thể việc đặt tên, số hiệu đường bộ.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 12/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Giao thông vận tải

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào