Quan hệ phối hợp trong chuẩn bị đề án của Bộ Nội vụ
Quan hệ phối hợp trong chuẩn bị đề án của Bộ Nội vụ được quy định tại Điều 17 Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012 như sau:
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng đề án (sau đây gọi chung là chủ đề án) mời Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan để thảo luận, thống nhất việc chuẩn bị đề án hoặc đề nghị cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia chuẩn bị đề án. Đơn vị được đề nghị có trách nhiệm cử người tham gia theo đề nghị của chủ đề án. Người được cử là đại diện của đơn vị tham gia chuẩn bị đề án phải thường xuyên báo cáo và xin ý kiến Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quá trình tham gia xây dựng đề án. Các hoạt động phối hợp này không thay thế các thủ tục lấy ý kiến chính thức quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Sau khi đề án đã được chuẩn bị xong, chủ đề án phải lấy ý kiến chính thức của các cơ quan, đơn vị có liên quan bằng các hình thức sau đây:
a) Tổ chức họp: Chủ đề án gửi trước giấy mời và tài liệu họp đến Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực của đề án chủ trì hoặc uỷ quyền cho Chủ đề án chủ trì cuộc họp để giới thiệu nội dung, thu thập thông tin và tổng hợp ý kiến để bổ sung, hoàn chỉnh đề án. Những ý kiến thảo luận phải được ghi vào biên bản có chữ ký của chủ toạ cuộc họp;
Đơn vị được mời dự họp phải cử đại diện có đủ thẩm quyền, đúng thành phần đến họp, thông qua nội dung ý kiến phát biểu (nếu có). Sau cuộc họp, người dự họp có trách nhiệm báo cáo đầy đủ kết luận cuộc họp cho Người đứng đầu cơ quan, đơn vị biết. Trường hợp đại diện cơ quan, đơn vị được mời vắng mặt, chủ đề án gửi phần kết luận có liên quan cho cơ quan, đơn vị đó và Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải trả lời bằng văn bản.
b) Gửi văn bản xin ý kiến: chủ đề án gửi dự thảo của đề án và hồ sơ kèm theo đến Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan để lấy ý kiến. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến có trách nhiệm tham gia ý kiến chính thức bằng văn bản, gửi chủ đề án trong khoảng thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy chế này. Văn bản góp ý kiến phải ghi rõ những điểm đồng ý hoặc không đồng ý, những kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung nội dung của đề án. Nếu hồ sơ đề án chưa rõ hoặc do vấn đề phức tạp cần có thêm thời gian nghiên cứu thì cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến có quyền yêu cầu chủ đề án làm rõ hoặc cung cấp thêm các tài liệu cần thiết và thoả thuận thời hạn trả lời, nhưng tối đa không quá thời hạn theo quy định trong Quy chế làm việc của Bộ;
c) Gửi lấy ý kiến qua mạng máy tính: nội dung và thời hạn thực hiện như điểm b khoản 2 Điều này.
Trên đây là nội dung quy định về quan hệ phối hợp trong chuẩn bị đề án của Bộ Nội vụ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật