Vị thuốc Chi tử là gì?
Khái niệm vị thuốc Chi tử được quy định tại Mục 24 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Chi tử là hạt chín phơi hoặc sấy khô, thu hái từ cây Dành dành (Gardenia jasminoides Ellis.) Họ Cà phê (Rubiaceae).
Vị thuốc Chi tử được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Chi tử sao qua (Chi tử vi sao) và phương pháp chế biến Chi tử sao cháy (Chi tử thán sao). Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Chi tử sao qua (Chi tử vi sao) thì chi tử sao cho đến khô, lấy ra để nguội, đóng gói.
- Đối với phương pháp chế biến Chi tử sao cháy (Chi tử thán sao) thì chi tử được sao đến khi bên ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu, có mùi thơm cháy, khô giòn, lấy ra để nguội, đóng gói.
Hạt khô có màu vàng cam hoặc nâu đỏ (Chi tử vi sao), có màu đen, mùi cháy (Chi tử thán sao), thể chất khô giòn, vị đắng.
Vị thuốc Chi tử có vị đắng, tính hàn; Quy kinh tâm, phế, tam tiêu. Chi tử sao có công năng thanh nhiệt giáng hỏa, lương huyết, chỉ huyết, giảm tính hàn, được dùng để chủ trị các bệnh sốt nóng do viêm, nhiễm khuẩn, đau đầu, ứ mật vàng da trong bệnh viêm gan, viêm túi mật. Còn Chi tử thán sao thì có công năng thanh nhiệt giáng hỏa, lương huyết, chỉ huyết và được dùng để chủ trị các chứng chảy máu, như: chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Chi tử. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật