Vị thuốc Cát cánh là gì?
Khái niệm vị thuốc Cát cánh được quy định tại Mục 21 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Cát cánh là rễ phơi hay sấy khô của cây Cát cánh (Platycodon grandiflorum (Jacq.) A. DC., họ Hoa chuông (Campanulaceae).
Vị thuốc Cát cánh được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Cát cánh phiến và phương pháp chế biến Cát cánh chích mật. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Cát cánh phiến thì Cát cánh rửa nhanh bằng nước sạch, để ráo, thái mỏng dày khoảng 2 - 3 mm, phơi hay sấy khô được Cát cánh phiến. Cát cánh phiến là các phiến mỏng 0,5 - 1,2 mm, màu vàng nhạt, dẻo, vị hơi nhạt sau hơi đắng, dễ hút ẩm.
- Đối với phương pháp chế biến Cát cánh chích mật thì để chế biến 1,0 kg Cát cánh chích mật thì cần 1,0 kg Cát cánh phiến và 0,1 kg mật ong. Cho một lượng nước bằng lượng mật ong (tỷ lệ 1/1), trộn đều, lọc qua gạc, đun nhỏ lửa đến sôi, vớt bỏ bọt trắng. Tẩm nước mật vào Cát cánh phiến; ủ cho thấm đều; đảo đều sau đem sao qua đến khi các miếng dược liệu rời nhau, sờ không dính tay là được. Cát cánh chích mật có màu vàng nhạt, sẫm màu hơn Cát cánh phiến, vị ngọt nhẹ sau hơi đắng và hơi nhớt trong miệng, dễ hút ẩm.
Vị thuốc Cát cánh có công năng tuyên thông phế khí, tán phong hàn, ngừa ho, trừ đờm, tổng mủ, làm dãn mạch máu nhỏ, làm hạ đường huyết, chống loét, chống viêm, và được dùng để chủ trị chữa bệnh ngoại cảm sinh ho, cổ họng sưng đau, ngực đầy trướng đau, ho ra máu mủ, mụn nhọt có mủ không vỡ.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Cát cánh. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật