Vị thuốc Cam thảo là gì?
Khái niệm vị thuốc Cam thảo được quy định tại Mục 18 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Cam thảo là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cam thảo (Glycyrrhiza uralensis Fish.; hoặc G. inflata Bat.; hoặc G. glabra L.,) họ Đậu (Fabaceae).
Vị thuốc Cam thảo được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Cam thảo phiến và phương pháp chế biến Cam thảo chích mật. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Cam thảo phiến thì cam thảo loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cạo bỏ lớp bần, ủ khoảng 4-8 giờ cho mềm, thái lát dày 1 - 2 mm, phơi hoặc sấy khô.
- Đối với phương pháp chế biến Cam thảo chích mật thì để chế biến 1,0 kg Cam thảo chích mật cần phải có 1,0 kg cam thảo phiến và 0,2 kg mật ong. Hòa tan mật ong với đồng lượng nước sôi rồi trộn đều với cam thảo ủ trong 1 - 2 giờ. Cho vào sao nhỏ lửa và đảo đều cho đến khi bề mặt cam thảo có màu vàng đậm, viền ngoài nâu, sờ không dính tay.
Vị thuốc Cam thảo có màu vàng nhạt (sinh Cam thảo), màu vàng đậm (Cam thảo chích mật). Vị ngọt đậm, đặc trưng của Cam thảo.
Vị thuốc Cam thảo có vị ngọt, tính bình. Quy vào 12 đường kinh. Sinh cam thảo có công năng mạnh tỳ, dưỡng khí, thanh nhiệt, giải độc, hóa đàm, chỉ khái, chỉ thống và được dùng để chủ trị các bệnh về tỳ vị hư nên mệt mỏi, yếu, đánh trống ngực, đoản khí, ho nhiều đàm, đau do co thắt thượng vị, bụng, tứ chi, đau rát cổ họng , nhọt độc, điều hòa các thuốc. Còn cam thảo chích mật có công năng mạnh tỳ vị, bổ khí, tăng cường tuần hoàn và được dùng để hòa trung tiêu làm mạnh tỳ vị, mỏi mệt, tâm hồi hộp, loạn nhịp.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Cam thảo. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật