Cá nhân được khen thưởng trong ngành y tế có những quyền lợi gì?
Ngày 06/6/2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư 20/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế. Thông tư này hướng dẫn về đối tượng thi đua và khen thưởng; tổ chức thi đua và tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, tuyến trình khen thưởng, hồ sơ, quy trình xét khen thưởng và lễ trao tặng; hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp; quỹ thi đua, khen thưởng; quản lý, lưu trữ hồ sơ và báo cáo công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Y tế.
Theo đó, quyền lợi của cá nhân được khen thưởng trong ngành y tế là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 20/2011/TT-BYT. Cụ thể bao gồm:
Cá nhân được nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được nhận giấy chứng nhận, bằng khen, tiền thưởng, hiện vật và được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 77 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây gọi là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP); có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng các hiện vật khen thưởng.
Theo đó, ngoài các giấy chứng nhận, bằng khen, tiền thưởng, hiện vật và các chế độ nêu trên thì cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, được tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, ''Giải thưởng Hồ Chí Minh'', ''Giải thưởng Nhà nước'', ngoài việc được khen thưởng theo quy định của Nghị định 42/2010/NĐ-CP, được ưu tiên xét lên lương sớm trước thời hạn, ưu tiên cử đi nghiên cứu, học tập, công tác, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quyền lợi của cá nhân được khen thưởng trong ngành y tế. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 20/2011/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật