Vị thuốc Bá tử nhân là gì?
Khái niệm vị thuốc Bá tử nhân được quy định tại Mục 3 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Bá tử nhân là hạt trong "nón cái" già (còn gọi là "quả") đã phơi hay sấy khô của cây Trắc bách (Platycladus orientalis (L.) Franco), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).
Vị thuốc Bá tử nhân được chế biến theo phương pháp chế biến Bá tử nhân sao vàng: cụ thể Bá tử nhân sau khi loại bỏ tạp chất và vỏ "quả" còn sót lại cho vào chảo, dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, lấy ra, tãi cho nguội.
Vị thuốc Bá tử nhân là hạt hình trứng dài hoặc bầu dục hẹp, dài 4 - 7 mm, đường kính 1,5 - 3 mm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt có các đốm nâu. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Vị thuốc Bá tử nhân có vị ngọt, tính bình; quy kinh tâm, thận, đại trường có công năng dưỡng tâm, an thần, chỉ hãn, nhuận tràng (để sống). Vị thuốc Bá tử nhân sao vàng đã giảm bớt dầu béo, giảm tác dụng nhuận tràng và chủ trị các loại bệnh về hư phiền mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, âm hư, ra mồ hôi trộm, táo bón.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Bá tử nhân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật