Vị thuốc A giao là gì?
Khái niệm vị thuốc A giao được quy định tại Mục 1 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc A giao là keo chế biến từ da con lừa (Equus Asinus L.), họ Ngựa (Equidae).
Vị thuốc A giao sẽ được chế biến theo công thức sau: để chế biến được 1,0 kg vị thuốc A giao thì cần 1,0 kg A giao và 200g cáp phấn hoặc bột mẫu lệ.
Lấy khăn vải sạch lau cho hết bẩn, hơ qua lửa hoặc để trong tủ sấy ở 100°C cho mềm (chú ý không để miếng A giao chảy dễ dính vào nhau), thái nhỏ mỗi miếng có kích thước khoảng 0,5 x 0,5 cm. Cho cáp phấn vào chảo sao cho nóng rồi bỏ các miếng A giao vào sao cho đến khi A giao nở hoàn toàn không còn chỗ cứng, rây bỏ bột cáp phấn.
Vị thuốc A giao được chế biến thành dạng miếng phồng đều, không còn chỗ cứng, không chảy hoặc dính vào nhau có vị ngọt, tính bình. Hơi ấm, không độc. Quy kinh can, phế, thận.
Vị thuốc A giao có công năng tư âm, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết (cầm máu), an thai; được dùng để trị nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu buốt, tiểu ra máu. Phụ nữ bị các chứng về huyết gây ra đau, huyết táo, kinh nguyệt không đều, khó có con, đới hạ. Khớp xương đau nhức, phù thũng, hư lao, ho suyễn cấp, ho khạc ra máu, ung nhọt.
Người bệnh dùng vị thuốc A giao 8 - 24g/ngày, uống với rượu hoặc cho vào thuốc hoàn, tán, nước thuốc sắc. Không được dùng vị thuốc A giao cho trường hợp tỳ vị hư, ăn uống không tiêu, nôn mửa, có hàn đàm, lưu ẩm. Không dùng chung với vị thuốc Đại hoàng
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc A giao. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật