Phương pháp chưng dược liệu trong chế biến các vị thuốc cổ truyền
Chưng dược liệu là một trong những phương pháp chế biến phối hợp nước và lửa (thủy hỏa hợp chế) trong chế biến các vị thuốc cổ truyền nhằm chuyển hóa tác dụng, thay đổi tính vị, tạo mùi thơm, giảm vị đắng chát, dễ hấp thu của vị thuốc cổ truyền. Hoạt động chưng dược liệu để chế biến các vị thuốc cổ truyền phải đảm bảo đúng các kỹ thuật theo quy định của pháp luật để đảm bảo không làm hư hỏng, mất tác dụng của dược liệu.
Phương pháp chưng dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được quy định tại Khoản 1 Điều 18 Phụ lục I về phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
a) Mục đích:
- Chuyển hóa tác dụng, thay đổi tính vị của vị thuốc theo mục tiêu điều trị;
- Tạo mùi vị thơm, giảm vị đắng chát, dễ hấp thu, đạt hiệu quả điều trị cao.
b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:
- Dược liệu được phun hoặc trộn đều với dịch phụ liệu (hoặc hỗn dịch) theo tỷ lệ quy định. Đảo đều, ủ cho mềm, sau đó cho vào dụng cụ bằng lnox hoặc nhôm, đặt vào nồi có sẵn nước, đậy kín và đun cách thủy trong nhiều giờ và có thể nhiều ngày (tùy yêu cầu của vị thuốc). Thường xuyên duy trì nhiệt độ sôi âm ỉ, dược liệu được tiếp xúc đủ với dịch phụ liệu để dịch phụ liệu thấm đều vào dược liệu, thỉnh thoảng đảo đều. Khi cần có thể bổ sung nước cách thủy tránh cạn. Sau khi chưng, lấy dược liệu ra, để nguội, thái phiến, tẩm và sấy cho tới hết dịch chưng rồi sấy khô;
- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Thục địa, Nhục dung, Sơn thù du, Hoàng tinh, Ngũ vị tử...
c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, đồng thể chất, nhuận, màu đen hoặc nâu đậm, sờ không dính tay, mùi vị đặc trưng.
Trên đây là nội dung tư vấn về phương pháp chưng dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật