Phương pháp thủy chế dược liệu trong chế biến các vị thuốc cổ truyền

Phương pháp dùng nước chế biến (thủy chế) dược liệu trong chế biến các vị thuốc cổ truyền được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Duy Mạnh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động chế biến các vị thuốc cổ truyền Việt Nam. Tôi có một thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, phương pháp dùng nước chế biến dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được thực hiện như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Duy Mạnh (duymanh*****@gmail.com)

Dùng nước chế biến (thủy chế) dược liệu là một trong những phương pháp phức chế dược liệu trong chế biến các vị thuốc cổ truyền nhằm làm sach, mềm dược liệu; tăng tác dụng quy kinh, tăng hiệu lực trị bệnh, giảm tác dụng phụ và định hình cho thuốc. Hoạt động thủy chế dược liệu để chế biến các vị thuốc cổ truyền phải đảm bảo đúng các kỹ thuật theo quy định của pháp luật để đảm bảo không làm hư hỏng, mất tác dụng của dược liệu.

Phương pháp dùng nước chế biến (thủy chế) dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được quy định tại Điều 17 Phụ lục I về phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:

1. Mục đích chung:

a) Làm sạch, làm mềm dược liệu để thuận lợi cho việc bào thái thành phiến;

b) Ngâm với dịch phụ liệu để tăng tác dụng quy kinh, tăng hiệu lực trị bệnh;

c) Giảm tác dụng bất lợi của vị thuốc;

d) Định hình cho vị thuốc.

2. Phương pháp ngâm với dịch phụ liệu

a) Mục đích:

- Tăng dẫn thuốc vào kinh vị;

- Giảm tác dụng không mong muốn.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Ngâm dược liệu thô trong dịch phụ liệu, cho dịch phụ liệu ngấm sâu vào trong dược liệu;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu, như sau:

+ Phụ tử ngâm với dịch nước muối để tăng tác dụng dẫn thuốc vào kinh thận;

+ Giảm tác dụng bất lợi, như: ngâm nước vo gạo, phèn chua để giảm vị ngứa của Bán hạ, ngâm nước vo gạo để giảm vị chát của Hà thủ ô đỏ, ngâm nước muối để giảm độ độc của Phụ tử...;

+ Dùng phụ liệu phù hợp với mục tiêu trị bệnh: Chống nôn, giảm ho: ngâm với dịch cốt gừng; Giảm ho, long đờm: ngâm với dịch nước cam thảo...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Dịch phụ liệu phải thấm đến lõi dược liệu.

3. Phương pháp ủ

a) Mục đích:

- Ủ với rượu để làm sạch mùi vị khó chịu của vị thuốc;

- Ủ đến khi đạt tiêu chuẩn riêng.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Tẩm vị thuốc cổ truyền bằng rượu, ủ khoảng 10-20 phút, phơi hoặc sao qua đến khi có mùi thơm;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu, như:

+ Chế một số vị thuốc có mùi vị gây khó chịu cho người dùng;

+ Tạo môi trường chuyển hóa một số thành phần hóa học dẫn đến thay đổi tác dụng của vị thuốc do lên men;

+ Chế biến Địa hoàng; Bán hạ khúc, Thần khúc.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mùi đặc trưng của vị thuốc.

4. Phương pháp thủy phi

a) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho nước hoặc dịch phụ liệu vào cối sành (hoặc sứ), cho dược liệu vào. Nghiền dược liệu đến khi dịch nước đục, gạn nhanh lấy dịch đục, để lắng, vớt hết bọt nổi, gạn bỏ nước trong, lấy bột dược liệu, cắn được nghiền tiếp. Nghiền nhiều lần đến khi dược liệu được phân tán hoàn toàn. Phơi âm can. Đóng gói.

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Thần sa, Chu sa.

b) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Bột mịn đều, màu sắc, mùi, vị đặc trưng của vị thuốc.

Trên đây là nội dung tư vấn về phương pháp dùng nước chế biến (thủy chế) dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào