Quy định kỹ thuật lập báo cáo hiện trạng môi trường
Kỹ thuật lập báo cáo hiện trạng môi trường được quy định tại Phần II Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật lập báo cáo hiện trạng môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Thông tư 02/2017/TT-BTNMT như sau:
1. Trình tự lập báo cáo hiện trạng môi trường
Việc lập báo cáo hiện trạng môi trường thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 9 Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT.
2. Quy định kỹ thuật chi tiết lập báo cáo hiện trạng môi trường
2.1. Đề xuất, trình phê duyệt chủ đề báo cáo đối với báo cáo chuyên đề về môi trường theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT.
Sản phẩm: chủ đề báo cáo chuyên đề về môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2.2. Xây dựng khung cấu trúc báo cáo và đề cương chi tiết của báo cáo
a) Xây dựng khung cấu trúc của báo cáo:
Việc xây dựng khung cấu trúc của báo cáo là thực hiện rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở khung cấu trúc cơ bản đã quy định tại Điều 8 và Phụ lục I, Phụ lục II Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT. Vì vậy, không xây dựng định mức cho bước công việc này;
b) Đề cương chi tiết của báo cáo được xây dựng trên cơ sở khung cấu trúc. Nội dung đề cương chi tiết bao gồm: tên chương, mục, thông điệp, nội dung cơ bản của từng chương, mục, các yêu cầu về thông tin, số liệu, bảng biểu minh họa và số lượng trang của từng chương, mục;
c) Sản phẩm: khung cấu trúc của báo cáo và đề cương chi tiết của báo cáo.
2.3. Thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, số liệu
a) Xác định hình thức và nguồn thu thập thông tin, số liệu:
Các hình thức thu thập thông tin, số liệu bao gồm: tổng hợp thông tin, số liệu sẵn có tại đơn vị thực hiện xây dựng báo cáo; hội thảo; gửi văn bản; điều tra, khảo sát trực tiếp tại các đơn vị có liên quan; đặt hàng các chuyên gia; quan trắc bổ sung.
Căn cứ trên nội dung, hiện trạng thông tin, số liệu, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức thu thập thông tin, số liệu nêu trên.
Các nguồn thông tin, số liệu phục vụ lập báo cáo hiện trạng môi trường thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT.
b) Tổ chức thu thập thông tin, số liệu:
Nội dung thông tin, số liệu thu thập phải phù hợp với đề cương chi tiết của báo cáo đã xây dựng theo quy định tại điểm b khoản 2.2 Mục 2 Phần này, việc tổ chức thu thập như sau:
- Thu thập thông tin, số liệu sẵn có tại đơn vị thực hiện xây dựng báo cáo, bao gồm: thống kê danh mục các tài liệu; phân nhóm các thông tin, số liệu theo nhóm nội dung; tổng hợp, phân tích các thông tin, số liệu đã thu thập.
- Thu thập thông tin, số liệu bằng hình thức hội thảo: xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo; xác định, địa điểm tổ chức; xác định phạm vi, đối tượng tham dự; chuẩn bị tổ chức Hội thảo: gửi giấy mời, xác nhận đại biểu tham dự, đặt bài báo cáo tham luận, đặt các dịch vụ tổ chức hội thảo; tổ chức các buổi, phiên hội thảo; tổng hợp ý kiến, tách lọc thông tin, số liệu (nếu có).
Đối với bước công việc tổ chức các buổi, phiên hội thảo tại nội dung này thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
- Thu thập thông tin, số liệu bằng hình thức văn bản: xác định thông tin, số liệu cần thu thập; xác định cơ quan quản lý thông tin, số liệu; dự thảo văn bản đề nghị cung cấp thông tin, số liệu; tiếp nhận văn bản cung cấp thông tin, số liệu; tổng hợp thông tin, số liệu.
- Thu thập thông tin bằng hình thức điều tra, khảo sát: xác định phạm vi và đối tượng điều tra; thiết kế phiếu điều tra; xây dựng kế hoạch điều tra; chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác: giấy giới thiệu hoặc công văn; liên hệ, xếp lịch làm việc; đi điều tra, khảo sát; tổng hợp thông tin, số liệu từ phiếu điều tra; viết báo cáo kết quả khảo sát.
Đối với bước công việc đi điều tra, khảo sát tại nội dung này thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
- Thu thập thông tin, số liệu bằng hình thức đặt hàng các chuyên gia: xác định nội dung đặt hàng; xác định, liên hệ chuyên gia; làm việc, trao đổi với chuyên gia về nội dung cần đặt hàng; ký kết hợp đồng thuê khoán với chuyên gia; tiếp nhận, xử lý thông tin, số liệu từ các sản phẩm đặt hàng.
Đối với bước công việc ký kết hợp đồng thuê khoán với chuyên gia tại nội dung này thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
- Thu thập thông tin, số liệu bằng hình thức quan trắc bổ sung thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
c) Kiểm tra, tổng hợp thông tin, số liệu trên cơ sở các thông tin, số liệu đã thu thập được thành các nhóm thông tin: động lực, sức ép, hiện trạng, tác động, đáp ứng;
d) Xử lý thông tin đã được kiểm tra, tổng hợp theo các nhóm thông tin quy định tại điểm c điểm này.
đ) Sản phẩm thu thập thông tin, số liệu: tập thông tin, số liệu phục vụ xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.
2.4. Xây dựng dự thảo báo cáo
Dự thảo báo cáo được xây dựng trên cơ sở tổng hợp của các báo cáo thành phần. Việc xây dựng báo cáo thành phần thực hiện như sau:
a) Xây dựng báo cáo thành phần (báo cáo phân tích, trình bày một hoặc một số nội dung của báo cáo hiện trạng môi trường), nội dung công việc bao gồm:
- Xây dựng dự thảo báo cáo thành phần: nội dung, số lượng và thông tin, số liệu phục vụ xây dựng báo cáo thành phần được xây dựng trên cơ sở khung cấu trúc của báo cáo quy định tại điểm a khoản 2.2 và khoản 2.3 Mục 2 Phần này.
- Rà soát, hiệu chỉnh báo cáo thành phần.
b) Xây dựng dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường:
- Tổng hợp các báo cáo thành phần, xây dựng dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường.
- Rà soát, hoàn thiện dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường.
c) Sản phẩm: các báo cáo thành phần; dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường.
2.5. Tham vấn các bên liên quan cho dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường.
a) Xác định hình thức tham vấn:
Các hình thức tham vấn các bên liên quan cho dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm: hội thảo, họp nhóm chuyên gia; gửi văn bản; trao đổi, làm việc trực tiếp với chuyên gia.
Căn cứ trên tình hình thực tế, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức tham vấn. số lần tham vấn tối đa không quá 3 lần cho một hình thức nêu trên.
b) Tổ chức tham vấn cho dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường:
- Tham vấn bằng hình thức hội thảo, họp nhóm chuyên gia: xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo; xác định, địa điểm tổ chức; xác định phạm vi, đối tượng tham dự; chuẩn bị tổ chức hội thảo: gửi giấy mời và dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường, xác nhận đại biểu tham dự, đặt bài báo cáo tham luận, đặt các dịch vụ tổ chức hội thảo; xây dựng báo cáo trình bày trong hội thảo (bài trình bày); tổ chức các buổi, phiên hội thảo, họp nhóm chuyên gia; tổng hợp các ý kiến trao đổi tại hội thảo; tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo.
Đối với bước công việc tổ chức các buổi, phiên hội thảo, họp nhóm chuyên gia tại nội dung này thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
- Tham vấn bằng hình thức gửi văn bản: xác định đơn vị tham vấn; soạn thảo và gửi văn bản góp ý báo cáo hiện trạng môi trường; tiếp nhận, tổng hợp văn bản góp ý dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường; tổng hợp bảng tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đơn vị.
- Tham vấn bằng hình thức trao đổi, làm việc trực tiếp với chuyên gia: xác định các nội dung cần trao đổi; tổng hợp văn bản, các tài liệu có liên quan đã sử dụng trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường; tổng hợp và chuẩn bị các tài liệu phục vụ chỉnh sửa dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường theo ý kiến của chuyên gia.
c) Sản phẩm: các dự thảo báo cáo hiện trạng môi trường qua các lần tham vấn.
2.6. Trình, phê duyệt báo cáo:
a) Chuẩn bị hồ sơ trình báo cáo: tờ trình, các văn bản góp ý của các đơn vị có liên quan kèm bản giải trình tiếp thu ý kiến, dự thảo báo cáo;
b) Trình hồ sơ lên cấp có thẩm quyền;
c) Hoàn thiện dự thảo báo cáo theo ý kiến các cấp Lãnh đạo (nếu có) và trình phê duyệt báo cáo lần 2;
d) Thẩm quyền phê duyệt báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT;
đ) Sản phẩm: báo cáo hiện trạng môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2.7. Cung cấp, công khai báo cáo:
a) In báo cáo phục vụ cung cấp, công khai báo cáo
Việc in báo cáo phục vụ cung cấp, công khai báo cáo thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
b) Cung cấp báo cáo hiện trạng môi trường thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 43/2015/TT-BTNMT. Nội dung công việc gồm: xác định đơn vị phát hành báo cáo; dự thảo văn bản gửi phát hành báo cáo; gửi báo cáo.
c) Công khai báo cáo hiện trạng môi trường:
Các hình thức công khai báo cáo: tổ chức công bố báo cáo, đăng tải toàn văn báo cáo trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia và cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh.
Việc tổ chức công bố báo cáo gồm công tác chuẩn bị: xây dựng kế hoạch tổ chức công bố; dự kiến khách mời, địa điểm tổ chức; chuẩn bị chương trình tổ chức; đặt các dịch vụ phục vụ công tác tổ chức; gửi giấy mời và xác nhận đại biểu tham dự; chuẩn bị bài trình bày, thông cáo báo chí; tập hợp báo cáo đã in ấn và tổ chức phiên công bố báo cáo hiện trạng môi trường.
Đối với bước công việc tổ chức phiên công bố tại nội dung này thực hiện định mức, mức chi theo quy định pháp luật về tài chính hiện hành.
d) Sản phẩm: báo cáo hiện trạng môi trường.
Trên đây là nội dung quy định về kỹ thuật lập báo cáo hiện trạng môi trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 02/2017/TT-BTNMT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật