Nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến trực ca trên tàu biển Việt Nam

Nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến trực ca trên tàu biển Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thảo Nhiên hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tôi nghe sắp tới sẽ áp dụng quy định mới đôi với thuyền viên trên tàu biển Việt Nam. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi theo quy định mới thì nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến trực ca trên tàu biển Việt Nam được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến trực ca trên tàu biển Việt Nam được quy định tại Khoản 2 Điều 39 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 15/09/2017, theo đó: 

Nhân viên thông tin vô tuyến trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Bảo đảm việc thông tin liên lạc giữa tàu mình với các tàu khác và với các đài vô tuyến trên bờ. Thu nhận các thông tin, tín hiệu cấp cứu, thông báo hàng hải và bản tin dự báo thời tiết;

b) Khi nhận ca phải nắm vững trạng thái hoạt động của các thiết bị vô tuyến điện, nhất là các máy tự động thu phát tín hiệu cấp cứu;

c) Thực hiện việc thu nhận thông tin liên lạc phù hợp với quy tắc thông tin vô tuyến hàng hải quốc tế;

d) Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, phải báo ngay cho sỹ quan boong trực ca và sĩ quan thông tin vô tuyến; đồng thời, thực hiện lệnh của thuyền trưởng phù hợp với quy tắc thông tin vô tuyến hàng hải quốc tế;

đ) Chỉ phát đi những tín hiệu báo động, tín hiệu cấp cứu khẩn cấp khi có lệnh của thuyền trưởng hoặc của người được thuyền trưởng ủy quyền;

e) Chấp hành đúng quy định trên làn sóng báo tai nạn, cấp cứu khi gọi hoặc trả lời các đài khác. Trong thời gian liên lạc thông tin không được phép nói chuyện hoặc làm việc riêng;

g) Phải chấp hành đúng quy định sử dụng các làn sóng do các đài ven biến hoặc đài kiểm tra yêu cầu;

h) Mỗi ngày ít nhất một lần phải kiểm tra để hiệu chỉnh giờ ở buồng vô tuyến và buồng lái với các đài báo giờ;

i) Không được rời khỏi vị trí trực ca hoặc làm việc riêng trong khi trực ca. Nghiêm cấm việc cho người hoặc các thuyền viên không có nhiệm vụ vào buồng vô tuyến. Nhân viên thông tin vô tuyến chỉ có thể rời vị trí ca trực khi được thuyền trưởng hoặc sỹ quan thông tin vô tuyến chấp thuận;

k) Mọi điện tín chuyển đi đều phải có sự chấp thuận của thuyền trưởng;

l) Nếu đài phát trên tàu có công suất lớn hoặc việc liên lạc có thuận lợi hơn thì phải tương trợ, giúp đỡ các đài khác khi đài đó yêu cầu;

m) Phải giữ bí mật tuyệt đối các điện tín, nội dung giao dịch vô tuyến. Chỉ có thuyền trưởng mới được quyền kiểm tra nội dung của các bức điện;

n) Phải báo cho sỹ quan thông tin vô tuyến những hư hỏng hoặc sự làm việc không bình thường của các thiết bị thông tin vô tuyến; đồng thời, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp khắc phục, sửa chữa;

o) Ít nhất 01 giờ trước khi giao ca phải kiểm tra hoạt động của các thiết bị thông tin vô tuyến và ghi kết quả kiểm tra vào nhật ký trực ca thông tin vô tuyến;

p) Ghi nhật ký thông tin vô tuyến; kiểm tra và đánh dấu vào danh mục kiểm tra.

Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến trực ca trên tàu biển Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 23/2017/TT-BGTVT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào