Phương pháp chích giấm vào dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền
Chích giấm vào dược liệu là một trong những phương pháp phức chế dược liệu có sử dụng phụ liệu là giấm trong chế biến các vị thuốc cổ truyền nhằm dẫn thuốc vào kinh can đởm, tăng tác dụng hành khí, hoạt huyết, khử ứ, chỉ thống, giảm tính dược của dược liệu. Hoạt động chích giấm vào dược liệu để chế biến các vị thuốc cổ truyền phải đảm bảo đúng các kỹ thuật theo quy định của pháp luật để đảm bảo không làm hư hỏng, mất tác dụng của dược liệu.
Phương pháp chích giấm vào dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được quy định tại Khoản 4 Điều 12 Phụ lục I về phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
a) Mục đích:
- Tăng dẫn thuốc vào kinh can đởm, tăng tác dụng hành khí, hoạt huyết, khử ứ, chỉ thống;
- Hòa hoãn tính dược (hòa hoãn tác dụng tả hạ để giảm độc của thuốc trục thủy).
b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:
- Phun hoặc trộn đều giấm với dược liệu theo tỷ lệ quy định, ủ khoảng 1 - 2 giờ cho thấm hết, đảo cho thấm đều, sao cho tới khi dược liệu có mùi thơm, bề mặt trở nên vàng hoặc sẫm màu hơn; lấy ra tãi cho nguội;
- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Huyền hồ, Hương phụ, Thanh bì, Sài hồ, Ngải diệp...
c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, thơm, màu vàng hoặc sẫm hơn.
Trên đây là nội dung tư vấn về phương pháp chích giấm vào dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật