Chế độ nâng bậc lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách

Chế độ nâng bậc lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Nguyễn Văn Bình. Tôi đang làm việc trong cơ quan nhà nước tại Hải Phòng. Vì tính chất công việc, tôi cần tìm hiểu một số quy định của pháp luật về chế độ nâng bậc lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (binh***@gmail.com)

Chế độ nâng bậc lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước được quy định tại Khoản D Mục III Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức, thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định tại Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2005/TT-BNV).

2. Đối với người làm công tác cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

3. Đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân thực hiện chế độ nâng bậc lương như sau:

3.1. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên:

a) Đối với người hưởng lương cấp hàm cơ yếu:

Người hưởng lương cấp hàm cơ yếu được nâng một bậc lương cấp hàm khi có đủ cả 3 điều kiện sau:

a.1) Đủ tiêu chuẩn theo quy định của Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ đối với từng chức danh;

a.2) Bậc lương cấp hàm hiện giữ thấp hơn bậc lương cấp hàm cao nhất của chức danh quy định tại Tiết c Điểm 3.1 Mục A phần III Thông tư này.

a.3) Đủ điều kiện thời gian để nâng bậc lương cấp hàm cơ yếu như sau:

Từ bậc 1 hệ số lương 4,20 lên bậc 2 hệ số lương 4,60 là 2 năm;

Từ bậc 2 hệ số lương 4,60 lên bậc 3 hệ số lương 5,00 là 3 năm;

Từ bậc 3 hệ số lương 5,00 lên bậc 4 hệ số lương 5,40 là 3 năm;

Từ bậc 4 hệ số lương 5,40 lên bậc 5 hệ số lương 6,00 là 4 năm;

Từ bậc 5 hệ số lương 6,00 lên bậc 6 hệ số lương 6,60 là 4 năm;

Từ bậc 6 hệ số lương 6,60 lên bậc 7 hệ số lương 7,30 là 4 năm;

Từ bậc 7 hệ số lương 7,30 lên bậc 8 hệ số lương 8,00 là 4 năm;

Từ bậc 8 hệ số lương 8,00 lên bậc 9 hệ số lương 8,60, không quy định thời gian.

Trường hợp đủ tiêu chuẩn, đến thời hạn nâng bậc lương, nhưng đã xếp bậc lương cấp hàm cao nhất của chức danh hiện giữ quy định tại Tiết c Điểm 3.1 Mục A phần III Thông tư này, nếu tiếp tục được sử dụng thì được nâng lương lần 1, lần 2; thời gian tính nâng lương lần 1, lần 2 của từng bậc lương cấp hàm thực hiện như thời gian quy định nâng bậc lương cấp hàm nêu tại điểm này.

b) Đối với người hưởng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu:

Người hưởng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu được nâng một bậc lương trong nhóm chức danh chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện giữ khi có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn sau:

b1) Hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, đạt định mức về số lượng, khối lượng công việc và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng công việc;

b2) Đã có 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc trong nhóm chức danh và trong suốt thời gian 3 năm này không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

c) Quy định về các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên; về kéo dài thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên đối với người làm công tác cơ yếu (hưởng lương cấp hàm và lương chuyên môn kỹ thuật) không đạt tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên; về tính lại chế độ nâng bậc lương thường xuyên trong trường hợp bị oan, sai khi bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam, bị kỷ luật thực hiện theo quy định tại Điểm 1 (1.2 và 1.3), Điểm 3 và Điểm 4 Mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV.

3.2. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn:

a) Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với người làm công tác cơ yếu lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:

a1) Người làm công tác cơ yếu có 2 năm liên tục được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cao nhất trong chức danh hiện giữ và còn thiếu từ 01 tháng đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương lần 1 hoặc nâng lương lần 2, thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời hạn nâng bậc lương cấp hàm cơ yếu và nâng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu theo nguyên tắc quy định tại Tiết a3 và Tiết b2 Điểm 3.1 Mục này.

a2) Số người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (gồm người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu) trong một năm không quá 5% tổng số biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị cơ yếu.

a3) Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc và thời điểm tính hưởng bậc lương mới do được nâng bậc lương trước thời hạn đối với người làm công tác cơ yếu thực hiện theo quy định tại Điểm 1.2 Mục III Thông tư số 03/2005/TT-BNV.

b) Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu đã có thông báo nghỉ hưu:

Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu, chưa xếp bậc lương cao nhất của chức danh hiện giữ, đã có thông báo nghỉ hưu của cơ quan có thẩm quyền, nếu trong thời gian giữ bậc hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật (một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức) và tại thời điểm có thông báo nghỉ hưu còn thiếu từ 01 tháng đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên (kể cả nâng lương lần 1 và lần 2) theo quy định thì được nâng một bậc lương hoặc nâng lương lần 1 hoặc lần 2 trước thời hạn bằng số tháng còn thiếu này.

c) Trường hợp người làm công tác cơ yếu lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và có thông báo nghỉ hưu, thì được thực hiện một chế độ nâng bậc lương trước thời hạn có lợi nhất trong hai chế độ nâng bậc lương trước thời hạn quy định tại Tiết a, Tiết b Điểm 3.2 này.

đ. Thẩm quyền quyết định xếp lương và nâng bậc lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu

1. Đối với người làm công tác cơ yếu:

1.1. Đối với người làm công tác cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

1.2. Đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân, thực hiện quyết định xếp lương và nâng bậc lương như sau:

a) Người làm công tác cơ yếu (hưởng lương cấp hàm cơ yếu và lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu) thuộc biên chế trả lương của Ban Cơ yếu Chính phủ xếp hệ số lương (bao gồm cả nâng bậc lương) vào hệ số lương từ 7,30 trở lên do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định trên cơ sở đề nghị của Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

b) Người làm công tác cơ yếu còn lại thuộc biên chế trả lương của các cơ quan ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện theo phân cấp hiện hành.

2. Đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc biên chế trả lương của các cơ quan ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện quyết định xếp lương và nâng bậc lương theo phân cấp hiện hành.

Trên đây là nội dung quy định về chế độ nâng bậc lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BNV-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào