Giảng viên dạy môn giáo dục quốc phòng bậc đại học, cao đẳng dạy bao nhiêu tiết một năm?
Ngày 26/9/2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 43/2003/TT-BGDĐT hướng dẫn chế độ làm việc của giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng. Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ làm việc đối với giáo viên giáo dục quốc phòng ở các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; bao gồm giáo viên trong biên chế, giáo viên là sĩ quan biệt phái, giáo viên hợp đồng của tất cả các loại hình trường công lập, bán công, dân lập, tư thục.
Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của giáo viên là giảng dạy, chiếm khoảng 70% quỹ thời gian lao động. Thời gian làm công tác giảng dạy của giáo viên giáo dục quốc phòng là 1200 giờ để thực hiện 1 khối lượng công việc bao gồm: chuẩn bị bài giảng, thực hành giảng dạy, các công việc sau giảng dạy (hướng dẫn học tập, phụ đạo, chấm thi...) được chuyển đổi thành giờ chuẩn như sau:
Định mức số tiết dạy trong một năm đối với giảng viên giáo dục quốc phòng bậc đại học, cao đẳng được quy định tại Tiết a Tiểu mục 2 Mục II Thông tư 43/2003/TT-BGDĐT. Cụ thể bao gồm:
- Giảng viên mới (thời gian giảng dạy dưới 3 năm): 220 tiết;
- Giảng viên giảng dạy từ 3 năm trở lên: 280 tiết;
- Giảng viên chính: 310 tiết;
Với giảng viên là sĩ quan biệt phái có thời gian giảng dạy dưới 3 năm thực hiện định mức 280 tiết/năm; từ 3 năm trở lên thực hiện định mức 310 tiết/năm. Thời gian giảng dạy được tính bao gồm cả thời gian giảng dạy ở các trường quân sự, trước khi biệt phái sang ngành giáo dục - đào tạo.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nguyên tắc chung về định mức số tiết dạy trong một năm đối với giảng viên giáo dục quốc phòng bậc đại học, cao đẳng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 43/2003/TT-BGDĐT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật