Nhiệm vụ của máy tư trên tàu biển Việt Nam bao gồm những gì?
Nhiệm vụ của máy tư trên tàu biển Việt Nam được quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 15/09/2017, theo đó:
Máy tư chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy trưởng. Máy tư có nhiệm vụ sau đây:
1. Trực tiếp quản lý và khai thác hệ thống đường ống, hệ thống nước dằn, bơm la canh, bơm thoát nước và các thiết bị phục vụ cho các hệ thống đó; hệ thống thông gió buồng máy, hệ thống nước sinh hoạt và vệ sinh, nồi hơi phụ, máy xuồng cứu sinh, các máy bơm độc lập, hệ thống phát âm hiệu.
2. Khai thác máy đảm bảo tình trạng kỹ thuật, chế độ hoạt động của máy móc, thiết bị theo đúng quy định.
3. Lập và trình máy trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản đối với máy móc thiết bị do mình quản lý và tổ chức triển khai việc sửa chữa theo kế hoạch đã phê duyệt.
4. Lập dự trù vật tư kỹ thuật cho các máy móc, thiết bị do mình quản lý và tổ chức quản lý, sử dụng các vật tư được cấp theo đúng quy định hiện hành.
5. Cùng với đại phó kiểm tra hầm hàng, nước dằn, các hệ thống đường ống trước và trong quá trình bốc dỡ hàng.
6. Theo dõi, ghi chép các thông số kỹ thuật và quản lý các hồ sơ tài liệu của máy móc thiết bị do mình phụ trách.
7. Ít nhất 03 giờ trước khi tàu khởi hành phải báo cáo máy trưởng về công việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi.
8. Hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho thuyền viên thực tập máy tư trên tàu.
9. Đảm nhiệm ca trực từ 08h00 đến 12h00 và 20h00 đến 24h00 trong ngày.
10. Đảm nhiệm các công việc khác do máy trưởng phân công.
Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ của máy tư trên tàu biển Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 23/2017/TT-BGTVT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật