Việc quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao

Việc quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa. Gần đây, tôi có tìm hiểu thêm về lĩnh vực giao thông đường sắt và các dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt. Qua một số tài liệu tôi được biết, đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên. Tôi thấy nếu loại hình đường sắt này được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với sự phát triển lĩnh vực đường sắt nói riêng, ngành giao thông vận tải nói chung. Vậy, không biết pháp luật hiện hành quy định ra sao về công tác quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao? Nội dung này tôi có thể tìm và tham khảo thêm ở đâu? Rất mong nhận được sự hỗ trợ của Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Giang (giang***@gmail.com)

Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Việc quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao được quy định tại Điều 81 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:

1. Đường sắt tốc độ cao xây dựng mới hoặc nâng cấp trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.

2. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt tốc độ cao phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn.

Theo đó, để đảm bảo được hiệu quả của công tác quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao, kết cấu hạ tầng của loại hình đường sắt này phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về an toàn, môi trường, phòng, chống cháy, nổ tương ứng với loại hình đường sắt tốc độ cao được đầu tư.

- Hệ thống cung cấp điện sức kéo phải được điều khiển, giám sát tập trung, ổn định và có khả năng dự phòng để không làm gián đoạn chạy tàu.

- Hệ thống quản lý điều hành chạy tàu phải theo phương thức tập trung.

- Thông tin, chỉ dẫn cần thiết phục vụ khách hàng phải rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào