Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại là gì?
Hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của thương nhân, bao gồm việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục đích lợi nhuận hoặc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội.
Trong đó, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại có hiệu lực từ ngày 01/10/2017 thì độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (hoạt động thương mại độc quyền nhà nước) là các hoạt động thương mại chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao thực hiện.
Nhà nước chỉ được thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia; và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (hoạt động thương mại độc quyền nhà nước). Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật