Phối hợp trong hoạt động xét xử trong Quân đội và ngoài Quân đội
Phối hợp trong hoạt động xét xử trong Quân đội và ngoài Quân đội được pháp luật quy định tại Tiểu mục 4 Mục II Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành như sau.
Phối hợp trong hoạt động xét xử
a) Trong giai đoạn xét xử, khi Tòa án nghiên cứu hồ sơ vụ án, mà phát hiện còn có dấu hiệu về tội phạm hoặc người có hành vi phạm tội mới, không liên quan đến thẩm quyền xét xử của mình, thì thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh, giải quyết theo thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm;
b) Đối với những vụ án phức tạp, có vướng mắc liên quan đến thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự, thì Tòa án đang thụ lý vụ án chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát đã ra cáo trạng truy tố và Viện kiểm sát có liên quan để cùng xem xét giải quyết. Trường hợp không thống nhất được biện pháp giải quyết thì Tòa án đang thụ lý vụ án làm báo cáo, đề nghị để Tòa án cấp trên trực tiếp phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp có hướng giải quyết;
c) Khi có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện, Tòa án đang thụ lý vụ án phải trao đổi thống nhất với Tòa án có thẩm quyền xét xử trước khi làm thủ tục quyết định chuyển vụ án. Việc chuyển hồ sơ vụ án phải được giao nhận trực tiếp. Tòa án nơi nhận vụ án phải tạo mọi điều kiện để việc chuyển vụ án được nhanh chóng, thuận lợi;
d) Tòa án ra quyết định chuyển vụ án phải gửi một bản quyết định này cho Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố. Tòa án nơi nhận vụ án phải kiểm tra hồ sơ vụ án, thấy đúng thẩm quyền xét xử của mình thì chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp làm lại cáo trạng, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử;
đ) Sau khi nghiên cứu vụ án do Tòa án khác chuyển đến, nếu Tòa án có thẩm quyền xét xử thấy cần phải điều tra bổ sung, thì ra quyết định trả hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp yêu cầu Cơ quan điều tra cùng cấp tiến hành điều tra bổ sung. Trường hợp Cơ quan điều tra cùng cấp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều tra bổ sung thì có thể ủy thác điều tra cho Cơ quan điều tra đã điều tra vụ án;
Nếu thấy không cần thiết phải điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát làm văn bản chuyển lại vụ án cho Tòa án đã trả hồ sơ và yêu cầu đưa vụ án ra xét xử;
Nếu thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 19, 25 và khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự, thì trước khi mở phiên tòa, Tòa án trao đổi để Viện kiểm sát rút quyết định truy tố và Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án; nếu Viện kiểm sát không đồng ý thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
e) Những vụ án được tách ra để Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự xét xử riêng theo thẩm quyền, thì Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự có liên quan thường xuyên trao đổi, thông báo cho nhau về tiến độ giải quyết, thời điểm xét xử và quan điểm giải quyết vụ án. Trong thời hạn 5 ngày làm việc sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có văn bản thông báo cho Tòa án có liên quan biết kết quả;
g) Khi xét xử lưu động tại địa phương, nếu cần sự trợ giúp thì Tòa án quân sự hoặc Viện kiểm sát quân sự liên hệ trước để Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân địa phương có biện pháp phối hợp kịp thời;
h) Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP, ngày 10/8/2005, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo”. Trường hợp Tòa án đang giải quyết khiếu nại mà thấy nội dung khiếu nại liên quan đến việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, thì Tòa án chủ động phối hợp với các cơ quan này để giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời về việc phối hợp trong hoạt động xét xử trong Quân đội và ngoài Quân đội theo quy định của pháp luật. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật