Phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt, xử lý như thế nào?

Phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt, xử lý như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện sinh sống gần khu vực có đường sắt chạy qua tại Đồng Hới, Quảng Bình. Thời gian này, các cơ quan chính quyền địa phương thường xuyên đề cập đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại những khu vực có dân cư sinh sống, các khu vực giao với đường bộ, đề nghị người dân nâng cao ý thức trong quá trình tham gia giao thông cũng như hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tôi thắc mắc, vậy trường hợp người dân phát hiện có sự cố hoặc vi phạm xảy ra trên đường sắt thì chúng tôi phải xử lý ra sao? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Đào Đức Đạt (dat***@gmail.com)

Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó,Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Việc xử lý khi phát hiện sự cố, hành vi vi phạm trên đường sắt được quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:

Người phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông vận tải đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho ga đường sắt, đơn vị đường sắt, chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất biết để có biện pháp xử lý; trường hợp khẩn cấp, phải thực hiện ngay các biện pháp báo hiệu dừng tàu.

Cũng theo quy định này, tổ chức, cá nhân nhận được tin báo hoặc tín hiệu dừng tàu phải có ngay biện pháp xử lý bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt và thông báo cho đơn vị trực tiếp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt biết để chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục.

Tổ chức, cá nhân có hành vi gây sự cố cản trở, mất an toàn giao thông vận tải đường sắt phải bị xử lý; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc xử lý khi phát hiện sự cố, hành vi vi phạm trên đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật Đường sắt 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào