Nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng

Nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Vĩ Tâm. Hiện tại, tôi đang làm việc tại một công ty vàng bạc, trang sức tại TPHCM. Vì tính chất công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi mong sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (tam***@gmail.com)

Nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại Điều 8 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như sau:

1. Nguyên tắc lấy mẫu phục vụ việc thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng do tổ chức thử nghiệm này quy định.

2. Nguyên tắc lấy mẫu phục vụ việc thanh tra, kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường:

a) Việc lấy mẫu được thực hiện khi hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng hoặc có khiếu nại, tố cáo. Phương án lấy mẫu phải được cân nhắc và quyết định phù hợp với mục đích, yêu cầu và bảo đảm tính khách quan, minh bạch;

b) Mẫu được lấy phải đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu theo yêu cầu của phương pháp thử nghiệm quy định tại Phụ lục I Thông tư này. Nếu sản phẩm gồm nhiều phần có thể tách rời, một đơn vị mẫu phải bao gồm đủ các phần cấu thành sản phẩm khi mua, bán hay trao đổi;

c) Khi lấy mẫu, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải lập biên bản lấy mẫu (theo Mẫu 1a.BBLM quy định tại Phụ lục II Thông tư này). Biên bản lấy mẫu và niêm phong mẫu phải được xác nhận bởi đại diện có thẩm quyền của các bên liên quan và người chứng kiến (nếu cần).

Trường hợp đại diện tổ chức, cá nhân được lấy mẫu không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu thì cơ quan thanh tra, kiểm tra ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”. Biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu có chữ ký của người lấy mẫu và trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý.

3. Phương pháp xác định hàm lượng vàng của vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định trong Phụ lục I Thông tư này. Việc thử nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Trên đây là nội dung quy định về nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào