Từ ngày 01/07/2018, dịch vụ chuyển giao công nghệ được quy định như thế nào?
Dịch vụ chuyển giao công nghệ được quy định từ Điều 45 đến Điều 48 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) như sau:
Điều 45. Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ
1. Môi giới chuyển giao công nghệ.
2. Tư vấn chuyển giao công nghệ.
3. Đánh giá công nghệ.
4. Thẩm định giá công nghệ.
5. Giám định công nghệ.
6. Xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Điều 46. Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
b) Hưởng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ và lợi ích khác từ việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
c) Sử dụng cộng tác viên, chuyên gia phục vụ hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;
d) Hưởng quyền sử dụng cơ sở dữ liệu về công nghệ theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng dịch vụ gây ra;
e) Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;
g) Tham gia hội nghề nghiệp trong nước, quốc tế theo quy định của pháp luật;
h) Các quyền khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ có các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và được hưởng lợi nhuận từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Điều 47. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ đã giao kết;
b) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ của mình;
c) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên sử dụng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
d) Bảo quản, giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành dịch vụ theo thỏa thuận;
đ) Thông báo kịp thời cho bên sử dụng dịch vụ về thông tin, tài liệu không đủ để hoàn thành dịch vụ;
e) Giữ bí mật thông tin theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
g) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, ngoài nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn có nghĩa vụ sau đây:
a) Đăng ký đáp ứng điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ theo quy định của pháp luật;
b) Hằng năm, gửi báo cáo kết quả hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Điều 48. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ
1. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ là tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ.
2. Tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá công nghệ phải đáp ứng điều kiện được quy định tại pháp luật về giá và quy định điều kiện đặc thù về nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật.
3. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ; điều kiện đặc thù về nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đối với tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá công nghệ.
Trên đây là nội dung quy định về dịch vụ chuyển giao công nghệ kể từ ngày 01/07/2018. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật