Nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao được quy định như thế nào?

Nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao được quy định như thế nào? Xin chào Ngân hàng Hỏi – Đáp Pháp luật! Tôi tên là Hoàng Tùng, hiện đang là nhiếp ảnh tự do, vừa qua tôi có nhận hợp đồng với một công ty về tổ chức một buổi triển lãm ảnh và nhận được một khoản thù lao kha khá, do không phải là dân luật, nhưng vì tôi muốn biết thêm những quy định của pháp luật để sau này có gặp trục trặc gì thì còn biết chút chút. Qua thông tin tìm kiếm trên mạng, tôi biết đến Ngân hàng Hỏi – đáp pháp luật. Chính vì thế, tôi mong nhận được sự giải đáp từ Quý Ban biên tập cho thắc mắc của tôi như sau: Nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao được quy định như thế nào? Quy định này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Rất mong nhận được giải đáp kịp thời và nhanh chóng từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe các anh/chị! Hoàng Tùng (tung***@gmail.com)

Nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 4 Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác như sau:

1. Nhuận bút, thù lao được trả trên cơ sở thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Trường hợp tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thì nhuận bút, thù lao được trả theo hợp đồng đặt hàng, đấu thầu.

2. Mức nhuận bút, thù lao được xác định căn cứ vào loại hình, chất lượng, số lượng, hình thức khai thác, sử dụng và hiệu quả kinh tế, xã hội của tác phẩm.

3. Việc phân chia nhuận bút, thù lao giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận hoặc mức độ đóng góp trong việc sáng tạo tác phẩm.

4. Nhuận bút khuyến khích được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số; tác giả là người Việt Nam sáng tạo tác phẩm trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người dân tộc Kinh sáng tạo tác phẩm trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số này sáng tạo tác phẩm trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khác hoặc sáng tạo tác phẩm trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác.

5. Trường hợp tác phẩm gốc được sử dụng làm tác phẩm phái sinh thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc được hưởng một phần trên tổng số nhuận bút khi tác phẩm phái sinh được khai thác, sử dụng.

6. Tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí trả nhuận bút, thù lao trong phạm vi nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước và các nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp, thu từ việc cho phép sử dụng các tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước được giao cho đơn vị quản lý, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 21/2015/NĐ-CP.

Trân trọng thông tin đến bạn!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào