Việc phân loại xử lý đồ vật cấm mang vào trại giam được quy định như thế nào?

Việc phân loại xử lý đồ vật cấm mang vào trại giam được quy định ra sao? Xin chào Ngân hàng Hỏi – Đáp Pháp luật! Tôi tên là Minh Thùy, hiện đang sống tại Ninh Thuận, cách đây ba hôm, tôi có đến thăm chị gái của mình hiện đang chấp hành án tại trại giam Sông Cái, khi đi tôi mang theo một cái phích nước cho chị, nhưng vào thăm thì bị các cán bộ ở đây tịch thu cái phích nước này và họ giải thích rằng đây là đồ vật bị cấm mang vào trại giam theo quy định của pháp luật. Qua thông tin tìm kiếm trên mạng, tôi biết đến Ngân hàng Hỏi – đáp pháp luật. Chính vì thế, tôi mong nhận được sự giải đáp từ Quý Ban biên tập cho thắc mắc của tôi như sau: Các loại đồ vật cấm đưa vào trại giam được phân loại xử lý như thế nào? Nội dung này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Rất mong nhận được giải đáp kịp thời và nhanh chóng từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe các anh/chị! Minh Thùy (thuy_hoang***@gmail.com) 

Việc phân loại và xử lý đồ vật cấm đưa vào trại giam được quy định tại Điều 5 Thông tư 58/2011/TT-BCA quy định về đồ vật cấm đưa vào trại giam và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm do Bộ Công an ban hành như sau:

1. Đối với hành vi đưa đồ vật cấm vào trại giam đến mức phải xử lý hình sự thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện ra quyết định khởi tố vụ án tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu theo quy định, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Đối với đồ vật cấm là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư này thì tịch thu sung quỹ nhà nước; việc tịch thu sung quỹ nhà nước, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 166/2009/TT-BTC ngày 18/8/2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.

3. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ đồ vật cấm là chất độc, chất phóng xạ, chất ma túy hoặc tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý là giả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền để giám định và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Đối với đồ vật cấm quy định tại các khoản 5, 6, 9, 10, 11 Điều 3 Thông tư này thì tổ chức tiêu hủy; đồ vật cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư này thì lập biên bản chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; đồ vật cấm quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư này thì đưa vào kho lưu giữ để khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù thì trả lại cho họ.

5. Việc xử lý đồ vật cấm phải thành lập Hội đồng xử lý, do Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam làm chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách công trình trinh sát, Phó Giám thị phụ trách phân trại giam làm Phó Chủ tịch; Đội trưởng trinh sát, hồ sơ - giáo dục, Chỉ huy Cảnh sát bảo vệ, Tài vụ - hậu cần và Bệnh xá trưởng làm Ủy viên; ở nhà tạm giữ thì do Trưởng Công an cấp huyện làm Chủ tịch, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự Công an cấp huyện làm Phó Chủ tịch, cán bộ phụ trách nhà tạm giữ làm ủy viên.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì “phích nước” là một trong những đồ vật bị cấm mang vào trại giam theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Thông tư này, và đối chiếu với quy định tại Khoản 4 quy định tại Điều 5 nêu trên thì cái phích nước này sau khi bị tịch thu thì sẽ tiến hành tiêu hủy nó.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc phân loại và xử lý những vật bị cấm mang vào trại giam. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 58/2011/TT-BCA.

Trân trọng thông tin đến bạn!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trại giam

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào