Các hành vi vi phạm quy định quản lý bảo vệ biên giới quốc gia thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảng vụ hàng hải

Các hành vi vi phạm quy định quản lý bảo vệ biên giới quốc gia thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảng vụ hàng hải được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Bùi Minh Tùng, hiện tại đang là sinh viên. Tôi đang tìm hiểu các quy định liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý bảo vệ biên giới quốc gia. Cho tôi hỏi, trong lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, các hành vi vi phạm hành chính nào thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảng vụ hàng hải? Tôi có thể tìm hiểu thêm thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Bùi Minh Tùng (buitung*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 169/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì lực lượng Cảng vụ hàng hải được xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm sau đây:

- Sử dụng giấy phép đã hết hạn;

- Không đăng ký, xuất trình giấy phép đi bờ, thẻ hoặc giấy phép xuống tàu cho cơ quan chức năng trước khi lên bờ hoặc xuống tàu;

- Không chấp hành quy định về thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động được cấp phép.

- Người nước ngoài có hành vi từ tàu thuyền nước ngoài lên bờ; từ bờ xuống tàu thuyền nước ngoài không có các loại giấy phép theo quy định.

- Cho người khác sử dụng giấy phép đi bờ, thẻ hoặc giấy phép xuống tàu;

- Sử dụng giấy phép đi bờ, thẻ hoặc giấy phép xuống tàu của người khác;

- Khai không đúng chức vụ, số lượng thuyền viên, nhân viên, hành khách trên tàu theo danh sách đã đăng ký;

- Không thông báo cho biên phòng cửa khẩu cảng biển các thông tin liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, danh sách thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có), dự kiến thời gian đến và rời cảng khi tiến hành hoạt động kinh doanh lữ hành, đại lý hàng hải hoặc làm thủ tục cho tàu thuyền;

- Trở lại tàu thuyền nhưng không xin phép biên phòng cửa khẩu cảng biển khi đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam để xuất cảnh bằng phương tiện khác;

- Trở lại nội địa nhưng không làm lại thủ tục nhập cảnh khi đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh.

- Rời khỏi tàu thuyền hoặc giao dịch với cá nhân, tổ chức không phải là hoa tiêu, nhân viên công vụ Việt Nam, nhân viên đại lý hàng hải khi chưa hoàn thành thủ tục nhập cảnh hoặc đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh;

- Không có thị thực do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp khi quá cảnh theo tàu thuyền vào nội địa hoặc xuất cảnh qua cửa khẩu khác.

- Hành vi làm giả các loại giấy phép sử dụng ở khu vực biên giới biển, khu vực cửa khẩu cảng biển.

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền xếp, dỡ hàng hóa khi chưa được biên phòng cửa khẩu cảng biển xác báo hoàn thành thủ tục biên phòng về nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng đến;

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền tự ý rời cảng khi có sự thay đổi về thuyền bộ sau khi được cơ quan có thẩm quyền xác báo hoàn thành thủ tục biên phòng;

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền không nộp lại hồ sơ giấy cho biên phòng cửa khẩu cảng biển sau khi hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử;

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền không khai báo đầy đủ, khai báo không chính xác các thông tin theo quy định của pháp luật về thủ tục biên phòng điện tử cảng biển;

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền neo đậu tại vùng nước cảng quá 24 giờ mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền khi đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh;

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền không có Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ; Bản khai người trốn trên tàu (nếu có);

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền không giữ đúng trạng thái niêm phong đối với hàng hóa và hồ sơ biên phòng theo quy định của pháp luật khi tàu thuyền quá cảnh, chuyển cảng;

- Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện hoặc người phụ trách tàu, thuyền không áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết và thông báo cho biên phòng cửa khẩu cảng biển hoặc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác khi phát hiện có người trốn trên tàu.

Trên đây là nội dung tư vấn về các hành vi vi phạm quy định quản lý bảo vệ biên giới quốc gia thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảng vụ hàng hải. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 169/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cảng vụ hàng hải

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào