Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt gồm những hoạt động nào?
Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:
Hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt bao gồm: các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn, Ban biên tập gửi đến bạn một số thông tin về phạm vi bảo vệ công trình đường sắt như sau:
Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là giới hạn được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với công trình đường sắt để quản lý, bảo vệ, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định công trình đường sắt và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt, bao gồm:
- Phạm vi bảo vệ đường sắt;
- Phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;
- Phạm vi bảo vệ hầm đường sắt;
- Phạm vi bảo vệ ga, đề-pô đường sắt;
- Phạm vi bảo vệ công trình thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện cho đường sắt;
- Phạm vi bảo vệ các công trình đường sắt khác.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật