Các trường hợp đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức từ tháng 7/2018
Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Các trường hợp đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức từ tháng 7/2018 được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Đường sắt 2017. Cụ thểbao gồm:
a) Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ;
b) Đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị;
c) Đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.
Theo quy định này thì chủ đầu tư xây dựng đường sắt và đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức trong những trường hợp trên.
Nếu không thuộc trường hợp xây nút giao khác mức hoặc khi chưa có đủ điều kiện tổ chức giao khác mức thì Ủy ban nhân dân các cấp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao thông qua đường sắt phải tuân theo những quy định sau đây:
- Nơi xây dựng đường ngang phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
- Nơi không được phép xây dựng đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các trường hợp đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức từ tháng 7/2018. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật