Từ 01/07/2018, đối tượng nào có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư?

Từ ngày 01/07/2018, đối tượng nào có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Xuân Thịnh. Vì tính chất công việc, tôi cũng thường xuyên theo dõi và cập nhật tin tức về lĩnh vực chuyển giao công nghệ và theo tôi được biết thì hiện nay pháp luật đã có những quy định mới về lĩnh vực này. Vì vậy, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể là những quy định mới quy định đối tượng nào có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi mong sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (thinh***@gmail.com)

Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 14 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) như sau:

1. Thẩm quyền thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư có sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này, dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao được thực hiện như sau:

a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;

c) Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Luật này được thực hiện như sau:

a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;

b) Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;

c) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Theo đó, Khoản 2 Điều 13 của Luật này quy định như sau:

Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, dự án đầu tư sau đây phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ:

- Dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao;

- Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ.

Trên đây là nội dung quy định về thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư kể từ ngày 01/07/2018. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào