Hệ thống đường sắt Việt Nam gồm những bộ phận nào?

Hệ thống đường sắt Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Gần đây, đọc báo tôi thấy một số bài viết đề cập đến việc đẩy mạnh tiến độ xây dựng, nâng cấp hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Tôi thắc mắc không biết, hệ thống đường sắt Việt Nam gồm những bộ phận nào? Nội dung này tôi có thể tìm và tham khảo thêm ở đâu? Rất mong nhận được sự hỗ trợ của Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Kim Thanh(thanh***@gmail.com)

Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Các bộ phận hợp thành hệ thống đường sắt Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể:

Hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng được quy định như sau:

a) Đường sắt quốc gia phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế;

b) Đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận;

c) Đường sắt chuyên dùng phục vụ nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, đường sắt Quốc gia được chia thành nhiều tuyến đường sắt qua nhiều ga khác nhau (là đường sắt đi từ ga đầu tiên đến ga cuối cùng của một hành trình). Trên đường sắt Quốc gia có tàu khách, tàu hàng được lập bởi một hay nhiều đầu máy, toa xe không tự vận hành, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng trên đường sắt.

Đường sắt đô thị bao gồm: xe điện bánh sắt, tàu cao tốc, đường 1 ray tự động dẫn hướng, tàu điện chạy nổi và ngầm. Đường sắt đô thị được xây dựng kiểu chạy trên cao, chạy ngầm (chạy dưới lòng đất). Ngoài ra còn có kiểu chạy cùng mặt bằng (chạy trên mặt đường bộ) hoặc giao cắt với đường bộ.

Đường sắt chuyên dùng có thể kết nối hoặc không kết nối với đường sắt Quốc gia.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các bộ phận thuộc hệ thống đường sắt Việt Nam. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào