Quy định việc tham gia thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính thuộc lĩnh vực hải quan
Việc tham gia thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định tại Mục 3 Phần II Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:
1. Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án
a) Cơ quan Hải quan, người có thẩm quyền trong cơ quan Hải quan với tư cách là đương sự hoặc hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Cụ thể:
a.1) Đơn kháng cáo thực hiện theo mẫu số 24 - HC, ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
a.2) Việc ghi tên, địa chỉ của người kháng cáo trong trường hợp là tổ chức hoặc ủy quyền kháng cáo thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, Điều 205 Luật TTHC;
a.3) Trường hợp người kháng cáo là người đại diện theo ủy quyền thì văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.
b) Người kháng cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án tuyên án hoặc 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp cơ quan Hải quan với tư cách là đương sự vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm thì thời hạn này tính từ ngày bản án được giao cho cơ quan Hải quan hoặc được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có trụ sở của cơ quan Hải quan. Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
c) Trường hợp đơn kháng cáo quá thời hạn quy định (gọi là kháng cáo quá hạn) vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì cơ quan Hải quan phải trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng theo yêu cầu của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng để xem xét kháng cáo quá hạn, cơ quan Hải quan khi tham gia phiên họp phải trình bày rõ ý kiến của mình về lý do kháng cáo quá hạn, nêu rõ các chứng cứ chứng minh cho lý do đó để Hội đồng xem xét. Quyết định về việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo quá hạn được Tòa án cấp phúc thẩm gửi cho người kháng cáo.
d) Đơn kháng cáo được gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo.
Trường hợp sau khi hết hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu lý do thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được Tòa án xem xét xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn nêu tại điểm c Khoản này.
đ) Trường hợp cơ quan Hải quan không kháng cáo nhưng nhận được thông báo của Tòa án, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm về việc bản án, quyết định hành chính sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, cơ quan Hải quan có quyền gửi văn bản ghi ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản ghi ý kiến được đưa vào hồ sơ vụ án.
2. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo
a) Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 206 Luật TTHC thì cơ quan Hải quan có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
b) Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, cơ quan Hải quan có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nếu thời hạn kháng cáo đã hết; có quyết rút kháng cáo.
c) Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trước khi bắt đầu phiên tòa phải được thực hiện bằng văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.
3. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
a) Phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định được thi hành ngay.
b) Bản án, quyết định hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm
Ngay sau nhận được thông báo của Tòa án cấp phúc thẩm về việc thụ lý vụ án, cơ quan Hải quan cần thực hiện một số công việc sau để tham gia phiên tòa phúc thẩm:
a) Cơ quan Hải quan tổ chức cuộc họp giữa các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và những người đã tham gia trực tiếp phiên tòa hành chính sơ thẩm để nhận định, đánh giá những mặt đã làm được, cũng như hạn chế, thiếu sót khi tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm; từ đó đưa ra những định hướng trong việc củng cố hồ sơ, tài liệu, bổ sung các căn cứ, lập luận có liên quan để chuẩn bị tham gia tố tụng tại phiên tòa hành Chính phúc thẩm.
b) Nghiên cứu rà soát lại hồ sơ vụ việc, thu thập các chứng cứ mới để giao nộp cho Tòa án và bổ sung chứng cứ theo quy định tại Điều 219, Điều 227 Luật TTHC.
c) Chuẩn bị phương án tham gia tố tụng như nêu tại Khoản 3, Mục I Phần này.
d) Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tham gia tố tụng; nếu có vướng mắc phát sinh thì báo cáo bằng văn bản tới cơ quan cấp trên trực tiếp của mình để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ làm cơ sở cho việc tham gia tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm.
5. Tham gia phiên tòa phúc thẩm
a) Đại diện cơ quan Hải quan với tư cách là người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được triệu tập tham gia phiên tòa; nếu được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Nếu được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà cơ quan Hải quan vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì:
- Với tư cách người kháng cáo mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
- Với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt.
b) Thủ tục khai mạc phiên tòa, thủ tục công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm, nghị án và tuyên án, sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm được thực hiện tương tự thủ tục xét xử sơ thẩm.
c) Nội dung và phương thức tham gia tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại Khoản 3, Mục II, Phần này. Thứ tự trình bày, tranh luận tại phiên tòa được quy định tại các Điều 237, 239 Luật TTHC. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.
d) Tại phiên tòa phúc thẩm nếu cơ quan Hải quan thỏa thuận được với người khởi kiện để hai bên tham gia đối thoại thì có quyền đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên tự đối thoại.
6. Tham gia phiên họp phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
a) Tòa án cấp phúc thẩm tổ chức phiên họp để ra quyết định giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
b) Cơ quan Hải quan với tư cách là người kháng cáo được mời tham gia phiên họp, trình bày ý kiến về việc kháng cáo. Nếu người đại diện của cơ quan Hải quan vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành phiên họp.
7. Thực hiện thủ tục sau phiên tòa phúc thẩm
Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án hoặc ra quyết định. Vì vậy, khi Tòa án tuyên án hoặc ra quyết định thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định ngay.
Việc thực hiện bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa phúc thẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Phần III Bản hướng dẫn này. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho các đương sự và cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện.
Nếu thấy bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan Hải quan có quyền làm đơn kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng dẫn nêu tại Mục V Phần này.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tham gia thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính thuộc lĩnh vực hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật